![]() |
Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng 46%: Việt Nam gặp khó, doanh nghiệp Mỹ điêu đứng. |
Trong những năm gần đây, các nhà bán lẻ và thương hiệu lớn của Mỹ đã chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam, từ giày thể thao đến đồ nội thất, như một phần của chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi áp đặt mức thuế 46% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam có thể khiến kế hoạch này đối mặt với thách thức chưa từng có.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4 tới đây, trong bối cảnh chính quyền ông Donald Trump mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp thuế quan toàn cầu. Quyết định này được dự báo sẽ làm tăng chi phí đáng kể cho nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, đồ nội thất và đồ chơi, với khả năng cao các doanh nghiệp sẽ chuyển một phần gánh nặng này sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá.
Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho thấy, sau hơn hai thập kỷ giữ vị trí nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho thị trường Mỹ, Trung Quốc đã bị Mexico vượt mặt vào năm 2023. Trong năm 2024, tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 438,9 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 2,8% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ Việt Nam lại ghi nhận tăng trưởng mạnh 19%, đạt 136,6 tỷ USD trong cùng kỳ.
Việc áp thuế cao đối với hàng Việt Nam diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng trở nên nhạy cảm về giá và thận trọng trong chi tiêu do lạm phát kéo dài, cùng những lo ngại về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ. Mặc dù hiện chưa rõ những công ty nào sẽ quyết định tăng giá, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ không muốn tự mình gánh chịu toàn bộ chi phí gia tăng, khi dự báo sức mua trong những tháng tới có thể suy giảm.
![]() |
Danh sách sơ bộ các mức thuế đối ứng cao nhất áp lên một số quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việt Nam hiện phải chịu mức 46%, cao thứ ba trong danh sách này (Ảnh: CNBC). |
Trong số các tập đoàn chịu tác động mạnh nhất từ chính sách thuế quan mới, Nike nổi bật với khoảng 25% sản lượng giày dép được sản xuất tại Việt Nam. Theo hãng tin CNBC, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng, bên cạnh mức thuế 46% áp lên hàng Việt Nam, Tổng thống Donald Trump còn dự kiến đánh thêm 34% thuế lên hàng Trung Quốc, nâng tổng mức thuế áp lên hàng hóa từ quốc gia này lên 54%.
Đây được xem là một cú sốc mới đối với gã khổng lồ giày và đồ thể thao, vốn đang vật lộn với dự báo kinh doanh ảm đạm trong quý hiện tại. Kế hoạch phục hồi thương hiệu và cải thiện doanh số dưới sự dẫn dắt của tân CEO Elliott Hill có nguy cơ bị đình trệ hoặc chậm lại do tác động từ các biện pháp thuế quan mở rộng.
Cổ phiếu của Nike đã lao dốc hơn 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm thứ Tư (2/4), trong khi các đối thủ như Adidas cũng chịu áp lực tương tự do phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Phân phối và Bán lẻ Giày dép Mỹ (FDRA), gần một phần ba lượng giày nhập khẩu vào Mỹ năm 2023 có xuất xứ từ Việt Nam.
Steve Madden, một thương hiệu giày dép nổi tiếng khác của Mỹ, từng tuyên bố sẽ cắt giảm tới 45% lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm tới ngay sau chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump. Tuy nhiên, theo chia sẻ của CEO Edward Rosenfeld, Việt Nam cùng với Campuchia, Mexico và Brazil lại trở thành những điểm đến mới được đẩy mạnh sản xuất.
Tập đoàn Deckers Brands, công ty mẹ của Ugg và Hoka, hiện có tới 68 đối tác chuỗi cung ứng tại Việt Nam, chỉ đứng sau con số 125 nhà cung cấp tại Trung Quốc. Cổ phiếu công ty này cũng đã giảm gần 9% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
VF Corporation, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu thời trang và phụ kiện như The North Face, Timberland, Vans và Jansport, cũng phụ thuộc đáng kể vào hai thị trường Trung Quốc và Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 38% và 17% tổng số nhà cung cấp. Cổ phiếu của tập đoàn này cũng giảm hơn 8% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm thứ Tư.
Hơn nữa, ngành công nghiệp nội thất cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi Việt Nam đóng góp tới 26,5% tổng lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ năm 2023, chỉ đứng sau Trung Quốc với 29%. Theo Hiệp hội Đồ gia dụng Mỹ, tổng cộng hai thị trường này chiếm tới 56% nguồn cung nội thất cho Mỹ.
Trong một cuộc trao đổi với nhà đầu tư hồi tháng Hai, CEO của hãng Wayfair, Niraj Shah, thừa nhận xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã trở nên phổ biến kể từ khi Tổng thống Trump áp thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đã trở thành điểm đến mới cho các nhà máy sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Mỹ.
Cổ phiếu Wayfair đã giảm mạnh khoảng 12% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Đại diện công ty cho biết đang "theo dõi sát sao những diễn biến mới trong chính sách thương mại" và khẳng định vẫn "đủ khả năng tiếp tục mang tới cho khách hàng những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh".
![]() |
Vừa dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ lại tiếp tục điêu đứng vì mức thuế không tưởng 46% đối với Việt Nam, điểm đến mới của rất nhiều thương hiệu Hoa Kỳ. |
Ngành công nghiệp đồ chơi cũng không tránh khỏi tác động khi nhiều tập đoàn lớn như Hasbro, SpinMaster, Mattel và Crayola đã chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam thông qua đối tác GFT Group - một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, bên cạnh các cơ sở sản xuất lâu năm tại Trung Quốc, GFT đang vận hành năm nhà máy tại miền Bắc Việt Nam với hơn 15.000 lao động.
Trong cuộc họp đầu tháng 3, ông Yves LePendeven - Giám đốc Tài chính của Funko (nổi tiếng với dòng sản phẩm mô hình đồ chơi sưu tầm) - cho biết công ty đang nỗ lực kiểm soát các yếu tố có thể trong năm tới. Chiến lược này bao gồm việc tái đàm phán chi phí nhà máy, đẩy nhanh chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác, và điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp tác động từ thuế quan. Ông LePendeven cũng tiết lộ khoảng 1/3 sản lượng toàn cầu của Funko hiện được mua từ Trung Quốc, nhưng không nêu rõ các điểm đến sản xuất mới.
Bên cạnh đó, ông Curtis McGill - đồng sáng lập công ty đồ chơi Hey Buddy Hey Pal chuyên về bộ trang trí trứng Phục sinh - nhận định mức thuế 46% chắc chắn sẽ đẩy giá đồ chơi tại Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, ông cho biết các công ty sẽ tích cực đàm phán với nhà cung ứng tại Việt Nam để giảm thiểu tác động. "Các nhà sản xuất và công ty đồ chơi đã bắt đầu thảo luận với nhà máy về việc chia sẻ gánh nặng, bởi họ đang chịu sức ép duy trì giá bán từ phía nhà bán lẻ", ông McGill giải thích.
Các chính sách thuế quan mới của Mỹ đã đặt ra câu hỏi hóc búa về địa điểm sản xuất thay thế cho các doanh nghiệp nước này. Tại cuộc họp gần đây, American Eagle Outfitters tiết lộ khoảng 18-20% sản lượng đến từ Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cho biết sẽ giảm tỷ trọng này xuống mức một con số vào nửa cuối năm. Cổ phiếu công ty này đã giảm hơn 5% trong ngày thứ Tư (2/4).
Giám đốc điều hành của hãng, ông Jay Schottenstein, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì linh hoạt trong bối cảnh bất ổn chính sách. Ông nhắc lại kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump khi American Eagle buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng: "Không nên vội vàng dịch chuyển khi chưa rõ điểm đến cuối cùng".
Ông Peter Baum - lãnh đạo cấp cao của nhà sản xuất Baum Essex (đối tác của Nautica, Betsey Johnson và Steve Madden) – cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của thuế quan. Sau khi chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Philippines, Campuchia, Việt Nam và Ấn Độ từ năm 2019, Baum cho rằng chính sách mới của Mỹ sẽ gây thiệt hại nặng nề: "Đây có thể là khởi nguồn của suy thoái toàn cầu. Chỉ trong chốc lát, chính sách của ông Trump đã xóa sổ công sức của 80 năm và 5 thế hệ chúng tôi".
Theo đó, giới quan sát nhận định làn sóng dịch chuyển sản xuất lần này sẽ phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn 2018-2019, khi các doanh nghiệp không còn nhiều lựa chọn thay thế Việt Nam, khi nước ta vốn được coi là điểm đến lý tưởng sau Trung Quốc. Trong bối cảnh thuế quan chồng thuế quan, ngành sản xuất toàn cầu đang đứng trước thách thức chưa từng có tiền lệ.