Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: internet
Chiều 5/6, Phó Thủ tướng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến mô hình, cơ cấu thị trường lao động Việt Nam trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung.
Theo Phó Thủ tướng, báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu rất nhiều số liệu đầy đủ về thị trường lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo bằng cấp, tỷ lệ lao động chưa có việc làm trong từng phân khúc. Tuy nhiên, ngành lao động mới làm tương đối tốt công tác thống kê về lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, nhưng lao động đào tạo không có bằng cấp, chứng chỉ thì không tốt lắm.
Ngoài ra, phương pháp thống kê về cơ cấu lao động theo trình độ của Việt Nam cũng hơi khác so với quốc tế. Cụ thể, quốc tế không phân biệt riêng trình độ đại học với cao đẳng. Đơn cử, UNESCO phân trình độ lao động làm 5 tầng: nghiên cứu và phát minh ra kiến thức; phổ biến kiến thức; quản lý kĩ thuật; khai thác kĩ thuật công nghệ; trực tiếp vận hành. Tổ chức Lao động quốc tế phân làm 9 loại. Còn ở Việt Nam thì thường phân ra trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Phó Thủ tướng phân tích: Theo số liệu về cơ cấu đào tạo theo bằng cấp thì mô hình của Việt Nam không giống nước nào với tỷ lệ 10 đại học:3-4 cao đẳng:1 trung cấp, sơ cấp bên dưới. Nhưng ở thế giới mô hình là 1 đại học, cao đẳng:4-5 trung cấp:30 sơ cấp. Một số liệu khác cho thấy, năm 2017, cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT ở Việt Nam thì 46 em học đại học, cao đẳng; gần 8 em ở nhà sang năm thi tiếp; gần 22 em đi học trung cấp nghề, còn lại hơn 10 em ra thị trường lao động ngay. Nhưng cơ cấu lao động theo thị trường lao động Việt Nam thì hoàn toàn đúng theo mô hình các nước đang phát triển là hình chóp trong khi mô hình tối ưu của các nước phát triển là mô hình quả trứng.
Cho rằng mô hình thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dần sang mô hình quả trứng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục bao gồm cả giáo dục phổ thông, dạy nghề, đại học và trên đại học để “nắn” mô hình đào tạo lao động theo trình độ dần dần trở về theo đúng xu hướng các nước phát triển. Đồng thời, cần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo bởi hiện nay, 100 lao động chỉ có hơn 50 người được đào tạo, trong đó hơn 22 người là có bằng cấp còn lại vẫn chưa có bằng cấp, chứng chỉ.
“Vì vậy, một mặt chúng ta “nắn lại” mô hình, tỷ lệ đào tạo trình độ đại học, cao đẳng với trung cấp, sơ cấp nhưng mặt khác ngành lao động tới đây phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho 32 triệu lao động còn lại chưa có bằng cấp thì mô hình thị trường lao động của Việt Nam sẽ trở lại theo đúng xu thế”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam