Tài sản nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới tăng 42 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua

16:28 25/07/2024

Tuy nhiên, mức thuế đánh vào nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã giảm xuống "mức thấp lịch sử". Oxfam cũng lưu ý rằng, gần 80% số tỷ phú trên thế giới đến từ các quốc gia G20.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Oxfam, tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu chống đói nghèo và bất bình đẳng khắp toàn cầu, ngày 25/7 công bố báo cáo trước thềm khai mạc Hội nghị G20 tại Brazil.

Tổ chức này nhấn mạnh tỷ lệ đánh thuế người siêu giàu đã giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử và cảnh báo về sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa nhóm siêu giàu với phần còn lại của thế giới.

Theo Oxfam, tài sản của 1% nhóm dân số giàu nhất thế giới đã tăng thêm 42.000 tỷ USD trong 10 năm vừa qua. Con số này cao gấp gần 34 lần nếu so với tổng tài sản tích lũy của 50% dân số nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, mức thuế đánh vào nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã giảm xuống "mức thấp lịch sử". Oxfam cũng lưu ý rằng, gần 80% số tỷ phú trên thế giới đến từ các quốc gia G20.

Tại hội nghị diễn ra ngày 25-26/7 ở Rio de Janeiro, các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của G20 nhiều khả năng sẽ đạt được tiến bộ trong vấn đề tăng thuế đối với giới siêu giàu và ngăn chặn các tỷ phú trốn thuế.

Vấn đề này dự kiến sẽ là chủ đề tranh luận gay gắt tại hội nghị. Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia, nước chủ nhà Brazil và Liên minh châu Phi (AU) ủng hộ tăng thuế, trong khi Mỹ - quốc gia sở hữu số người siêu giàu nhiều nhất thế giới, kiên quyết phản đối.

Oxfam gọi vấn đề áp thuế đối với giới tài phiệt là một "thử thách thực sự đối với chính phủ các nước G20".

Tổ chức này kêu gọi thực hiện đánh thuế tài sản ròng hằng năm ít nhất 8% đối với những người siêu giàu.

“Bất bình đẳng đã đạt đến mức độ vô lý. Cho đến nay, các chính phủ vẫn không bảo vệ được con người và hành tinh khỏi những tác động thảm khốc của nó”, Trưởng phòng Chính sách Bất bình đẳng của Oxfam International Max Lawson cho biết.

Nghiên cứu của Oxfam cho thấy, tỷ lệ thu nhập của 1% người giàu nhất ở các quốc gia G20 đã tăng 45% trong 4 thập kỷ, trong khi mức thuế cao nhất đánh vào thu nhập của họ đã giảm khoảng 1/3.

Trên toàn cầu, các tỷ phú phải trả mức thuế tương đương chưa đến 0,5% tài sản. Trong 4 thập kỷ qua, tài sản của nhóm này tăng trung bình 7,1%/năm. Do đó cần phải có mức thuế tài sản ròng hàng năm ít nhất 8% đối với những tỷ phú này.

Tú Anh (T/h)