Phải coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn

15:25 31/12/2020

Ngày 30/12, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam) đã tổ chức hội thảo về “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)- cập nhật 2020 và lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào xây dựng kế hoạch cấp tỉnh, huyện”. Hội thảo có sự tham gia của 40 đại biểu là chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu về biến đổi khí hậu (BĐKH) trong nước và đại diện các tỉnh Tây Nguyên.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban quốc gia về BĐKH, trong số gần 200 nước đã ký Thỏa thuận Pari, Việt Nam xếp thứ 27 về lượng phát thải khí gây ra hiệu ứng nhà kính, với 3,04 tấn CO2tđ/người. Hàng loạt hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ở một số khu vực ở nước ta trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ BĐKH.

Theo ông Trần Hữu Nghị - Giám đốc Tropenbos Việt Nam, những cập nhật trong NCD phù hợp với hoạt động, định hướng của đơn vị. Trong thời gian qua, Tropenbos Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động ở tỉnh Đắk Lắk như hỗ trợ các cộng đồng và chủ rừng trong phục hồi rừng, trồng cây phân tán; hoàn thiện các mô hình nông lâm kết hợp ở huyện Krông Bông và Lắk; xây dựng và ứng dụng mô hình cà phê thông minh thích ứng với BĐKH...

ông Trần Hữu Nghị - Giám đốc Tropenbos Việt Nam

Ông Trần Hữu Nghị - Giám đốc Tropenbos Việt Nam phát biểu

Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia đang phát triển chịu nhiều tác động của BĐKH nên phải tập trung nguồn lực cho việc thích ứng, giải quyết tổn thất, thiệt hại của BĐKH để tồn tại. Hiện nước ta đã tập trung ứng phó với BĐKH, định hướng phát triển theo hướng CO2 thấp, giảm nhẹ trong năng lượng, giao thông vận tải... Cần phải coi ứng phó với BĐKH là vấn đề sống còn và đã đưa quy định về ứng phó BĐKH vào hệ thống pháp luật để tất cả đều có trách nhiệm thực hiện. Vai trò của các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch thích ứng quốc gia là rất quan trọng. Các địa phương cần rà soát quy hoạch, phát triển ngành lĩnh vực để lồng ghép với hoạt động của kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; vận động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng... GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH nhấn mạnh.

Số liệu từ các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia phát thải một lượng khá lớn khí nhà kính - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, 34/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, 12 địa phương ban hành kịch bản giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, thực trạng ở các địa phương rất ít kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được lồng ghép vào quy hoạch phát triển dài hạn; việc lồng ghép các mục tiêu về quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên trong quy hoạch phát triển còn  hạn chế…

Hàng loạt hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ở một số khu vực ở nước ta trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ BĐKH
Hàng loạt hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ở một số khu vực ở nước ta trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ BĐKH.

Giải pháp được các chuyên gia đưa ra trong giai đoạn tới, các địa phương cần chia sẻ kinh nghiệm giữa các bộ, ngành, theo từng nhóm vấn đề; xây dựng quy chế phối hợp thực hiện chính sách cấp vùng, ngành/lĩnh vực; tăng cường phối hợp giữa các vùng, các địa phương trong phát triển thị trường các bon, chia sẻ thông tin công nghệ nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa… đồng thời lựa chọn vấn đề, khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra với địa phương để xây dựng hệ thống giải pháp và lồng ghép BĐKH vào xây dựng hoàn thiện kế hoạch thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở cấp tỉnh.

Nguyễn Hiếu