Nghiên cứu kiến nghị về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

11:36 07/04/2023

Chiết khấu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh khiến khâu bán lẻ chịu lỗ hơn 1 năm qua là câu chuyện gây tranh cãi kéo dài. Đối với thị trường trong nước, hai ngày qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "khóc ròng" vì chiết khấu rất thấp, thậm chí âm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 6/4, một số thương nhân phân phối xăng dầu phía Bắc thông báo mức chiết khấu (lấy hàng tại kho, chưa bao gồm phí vận chuyển) từ 100 - 150 đồng/lít.

Ở phía Nam, chiết khấu tại kho Nhà Bè và Cần Thơ khoảng 200 - 350 đồng/lít. Nếu tính trung bình phí vận chuyển 300 đồng/lít trong bán kính 150 km, nhiều cửa hàng bán lẻ cho biết, thù lao bán hàng đang khiến doanh nghiệp lỗ các chi phí bán hàng, lãi ngân hàng... một số nơi lỗ luôn cả phí vận chuyển.

Bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho biết, doanh nghiệp bán lẻ xăng đang không yêu cầu có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để đủ chi phí trả lương cho người lao động.

“Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Trong khi, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. Mức chiết khấu doanh nghiệp tính toán phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí cho doanh nghiệp”, bà Sinh nói.

Câu chuyện chiết khấu xăng dầu đã kéo dài từ tháng 10/2022 đến nay. Khi DN bán lẻ kêu, chiết khấu xuống thấp, DN phải cầm cố tài sản để bù lỗ, và khi DN không thể duy trì được hoạt động bán hàng thì cơ quan quản lý lại liên tiếp thanh tra, kiểm tra. Như vậy, DN kinh doanh xăng dầu một vai gánh nhiều áp lực.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung phân tích, không thể để DN bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách. “Chúng ta cứ nói vấn đề chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các DN nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa” – ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các DN kinh doanh xăng dầu. “Do đó, vấn đề về chính sách, quản lý điều hành cần phải được cải thiện. Các bên không nên đổ lỗi cho nhau”- ông Cung nói.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, cắt chiết khấu đã tạo nên sự thua lỗ của các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Ông cho rằng, sửa hay không sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 thì cũng phải xử lý được bất cập này. Bộ Công Thương cũng từng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chịu quản lý của nhà nước và phải hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với các vấn đề doanh nghiệp bán lẻ đang gặp phải, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận vào hệ thống và trách nhiệm của mình cũng như với doanh nghiệp. Theo ông Bảo, các doanh nghiệp có nhiều kiến nghị phải điều hành theo cơ chế thị trường và đến thời điểm này đã hội tụ đủ để thực hiện.

“Với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay, không có doanh nghiệp nào tồn tại được cả. Chúng tôi đã kiến nghị với liên bộ cần đảm bảo cho doanh nghiệp có chi phí lưu thông. Chính sách hiện nay không thực rõ ràng, không có chế tài nào hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ cả’, ông Bảo nói.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan thành lập ban soạn thảo, soạn dự thảo và xin ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp, các bộ, ngành...

"Trong quá trình rà soát, sửa đổi này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, trong đó có kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh.  Chúng tôi khẳng định, những kiến nghị của các doanh nghiệp xăng dầu, cũng như các đối tượng khác, đang và sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và dự thảo Nghị định sẽ được xây dựng trên cơ sở tiếp thu cao nhất ý kiến của các đối tượng chịu tác động và đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả và hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Hải Anh