Nghị quyết số 68-NQ/TW: Bệ phóng chiến lược cho kinh tế tư nhân bứt phá Kinh tế tư nhân cần được “đối xử” thỏa đáng |
Bước ngoặt lịch sử
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, Nghị quyết số 68-NQ/TW là bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Kể từ khi thống nhất đất nước, vai trò của kinh tế tư nhân dần được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, từ việc xác lập quan điểm đến thực thi chính sách. Nếu như giai đoạn 1986-1990, chúng ta đã chuyển từ chỗ coi khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo sang thừa nhận và cho phép kinh tế tư nhân được hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề, thì sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999-2000 đã đánh dấu sự đột phá về thể chế, tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường.
![]() |
Nghị quyết 68-NQ/TW là bước ngoặt lịch sử thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Hoàng Triều |
Bên cạnh đó, chúng ta đã từng có Nghị quyết 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và rất nhiều chính sách, đạo luật về khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, phải đến Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này mới chính là bước ngoặt mang tính lịch sử trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu rõ quan điểm: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu phải xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân…
Khơi dậy tinh thần cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp
Thực tế sau hơn 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Dù đã đạt những thành công nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả này chưa khai thác hiệu quả. Kinh tế tư nhân chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra, đó là: Thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao…
Khắc phụ những hạn chế trong các chính sách trước đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã khẳng định việc bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước…
Dưới góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhìn nhận: Khu vực doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân luôn nuôi dưỡng khát vọng phát triển. Tuy nhiên, vì thiếu những chính sách mang tính đột phá nên thời gian qua nguồn lực của người dân, doanh nghiệp vẫn được gửi tại ngân hàng hay dùng để đầu tư vào vàng, bất động sản. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã gỡ nút thắt này, khơi thông điểm nghẽn để nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp thực sự bắt đầu đi vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.
Theo các chuyên gia, việc Đảng ta xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế chính là nhằm đến vai trò tích cực của thành phần kinh tế này. Đảng đã nhận thấy rõ, thành phần kinh tế tư nhân còn nhiều tiềm năng chưa được giải phóng, nhiều nguồn lực chưa được huy động và chưa hoạt động tương xứng với khả năng và nguồn lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 96 USD vào năm 1989, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, dự kiến cuối năm 2025 bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao, khoảng trên 5.000 USD/người/năm. Thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Chắc chắn rằng, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. |