Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài, thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
![]() |
Kinh tế tư nhân cần được “đối xử” thỏa đáng |
Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; năng suất lao động và hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh chưa cao; thiếu kết nối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên nhưng giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế chưa đầy đủ; thể chế pháp luật còn vướng mắc, bất cập; còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao…
Một lần nữa phải khẳng định, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng. Thế nhưng, kinh tế tư nhân xem ra vẫn chưa được được "đối xử" thỏa đáng.
Vì vậy, chia sẻ góc nhìn về phát triển kinh tế tư nhân, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân – cho rằng: Cần phải “làm lành” với kinh tế tư nhân, phải “chữa lành” cho lối tư duy mang tính định kiến với kinh tế tư nhân trong quá khứ và cũng để đặt đúng vị trí, tiềm lực, tiềm năng phát triển có khả năng bùng nổ không giới hạn trong tương lai.
Mục tiêu đất nước ta đặt ra đến năm 2030: Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoản 10 - 12%/năm, đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 – 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á…
Để kinh tế tư nhân đảm đương được vai trò của mình, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng nêu thêm ý kiến: Điều quan trọng cần có lực lượng đông đảo và chất lượng tốt nhất, kết nối, hội tụ tinh hoa và lan tỏa tài năng đất nước, biết đứng trên vai người khổng lồ, nhất là người khổng lồ toàn cầu để tạo bệ phóng phát triển, tạo xu hướng phát triển cho nền kinh tế đất nước giai đoạn mới, đổi mới sáng tạo không ngừng và nhanh chóng làm chủ những đỉnh cao của công nghệ.
Mới đây, trong bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng " của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập; bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược của đất nước; cải cách thể chế, kiến tạo nền hành chính "phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước”; phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội…
Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước. Nền kinh tế quốc gia chỉ thực sự cường thịnh khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà nhà, ai cũng hăng say lao động. |