![]() |
Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân |
Kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để khu vực này phát triển thực chất và bền vững, cần có những chính sách mang tính chiến lược, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp và đảm bảo tính thực thi cao. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu, với mục tiêu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực này phát triển mạnh mẽ.
Một trong những trọng tâm của Đề án là đổi mới căn bản tư duy và cách tiếp cận chính sách. Trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua những giới hạn cũ, xác định chính xác các "đòn bẩy" và "điểm tựa" có tính khả thi để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc. Điều này cho thấy một sự chuyển hướng rõ rệt trong quan điểm quản lý kinh tế, hướng đến việc trao quyền và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Tại cuộc họp báo quý I/2025 của Bộ Tài chính, bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể – đã cung cấp thêm thông tin về định hướng chính sách mới. Cụ thể cho biết: Bộ Tài chính được giao chủ trì dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần tổng hợp 4 nhiệm vụ được trung ương giao cho Bộ Tài chính, trong đó có nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân, tổng hợp Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đề án phát triển doanh nhân Việt Nam.
Dự thảo Nghị quyết với yêu cầu tổng hợp nhiều đề án, đặc biệt là yêu cầu phát huy vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong thời điểm mới, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% là nhiệm vụ rất lớn.
Bà Bùi Thu Thủy cho biết, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để nắm bắt tình hình của doanh nghiệp từ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nông nghiệp đến doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu…. Qua tổng hợp cho thấy còn nhiều vấn đề doanh nghiệp chưa an tâm liên quan đến thể chế, pháp luật.
Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức một số đoàn đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về thúc đẩy kinh tế tư nhân… Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các nước này, dự thảo Nghị quyết đưa ra các quan điểm mạnh mẽ, cụ thể hơn so với các Nghị quyết trước đây về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Trong đó, dự kiến sẽ đề xuất các nhóm giải pháp chung về cải cách thể chế, chính sách; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp về đất đai, vốn, nhân lực so với các khu vực khác.
Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra nhóm chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và lớn có thể vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, hoặc nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ tạo ra nhiều công ăn việc làm và giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhóm chính sách cho hộ kinh doanh hướng tới hoạt động minh bạch hơn,…