100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2025

10:27 17/11/2022

Tại 5 thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, nhu cầu đầu tư, thay thế phương tiện buýt giai đoạn 2022-2025 ước khoảng 3000-3.800 phương tiện và giai đoạn 2026-2030 ước khoảng 3.500-3.700 phương tiện.

Qua khảo sát cho thấy, đến 2030 cần đầu tư, thay thế gần 12.000 xe buýt thân thiện môi trường. Ảnh: minh họa.
Qua khảo sát cho thấy, đến 2030 cần đầu tư, thay thế gần 12.000 xe buýt thân thiện môi trường. Ảnh: minh họa..

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cần tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là việc lên lộ trình chuyển đổi, thay thế các xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thông tin từ Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, cơ quan này đã tiến hành khảo sát tại 5 thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Kết quả khảo sát cho thấy, thị phần vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội hiện nay đạt khoảng 15%, trong đó bằng xe buýt đáp ứng khoảng 8%-9%; Tại TP.HCM đạt khoảng 9,5%, trong đó xe buýt đáp ứng khoảng 7,5%; Các TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chỉ đạt xấp xỉ 1%.

Cả nước hiện có 854 tuyến buýt với tổng chiều dài mạng lưới buýt 32.344km. Có hơn 8.500 xe buýt, trong đó buýt nhỏ 2.027 xe (23,8%), buýt trung bình 5.179 xe (60,9%), buýt lớn 1.300 xe (15,3%).

Nhưng số xe buýt thân thiện môi trường chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 849 xe; trong đó buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG 702 xe (82,7%), buýt điện 148 xe (17,4%).

Với taxi, toàn quốc có 769 doanh nghiệp taxi, hơn 67.500 xe taxi; Hơn 11.700 doanh nghiệp xe hợp đồng, du lịch, với hơn 193.300 xe hợp đồng, du lịch. Tuy nhiên chưa có taxi, xe hợp đồng du lịch sử dụng điện, nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, theo các quy hoạch, kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tại 5 thành phố được khảo sát, nhu cầu đầu tư, thay thế phương tiện buýt giai đoạn 2022-2025 ước khoảng 3000-3.800 phương tiện và giai đoạn 2026-2030 ước khoảng 3.500-3.700 phương tiện.

Xét trên quy mô toàn quốc, nhu cầu đầu tư, thay thế đoàn phương tiện buýt giai đoạn 2022-2025 ước khoảng 5.000-5.800 phương tiện và giai đoạn 2026-2030 ước khoảng 5.500-6.000 phương tiện. 

Xe buýt điện trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh)
Xe buýt điện trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh).

Mục tiêu chuyển đổi

Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, theo Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, lộ trình chuyển đổi xe buýt, taxi được quy định cụ thể.

Theo đó đến 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến 2030, 50% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Như vậy, để đạt được mục tiêu này, giai đoạn từ nay đến 2030, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cần tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ, xác định là loại hình vận tải công cộng chủ đạo.

Khó khăn thách thức lớn

Tuy nhiên, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cũng chỉ ra những khó khăn khi nhu cầu thay thế đoàn phương tiện sẽ ngốn nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, phương tiện buýt điện, chi phí đầu tư phương tiện có giá thành rất cao, hệ thống hạ tầng trạm sạc còn hạn chế. Hiện chưa có đơn giá định mức cho loại hình phương tiện này, chưa có các chính hỗ trợ về vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư buýt điện, chưa có quy hoạch hạ tầng mạng lưới trạm sạc...

Đối với phương tiện buýt CNG đã có bộ định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá, tuy nhiên mới chỉ đảm bảo tối thiểu cho quá trình vận tải, còn một số hạng mục chưa được đưa vào đơn giá; chính sách hỗ trợ 50% lãi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện còn một số vướng mắc trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phương tiện; những khó khăn về quỹ đất để xây dựng bãi đỗ, depot, trạm nạp khí và nguồn cung khí CNG chưa ổn định.

Cần xây dựng lộ trình phù hợp, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư…

Do đó, cơ quan này khuyến nghị Nhà nước và doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu chi tiết để đánh giá các khó khăn, thách thức, các khoảng trống hiện nay để xây dựng một lộ trình chuyển đổi toàn diện, từng bước, phù hợp với đặc thù các địa phương, năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hiện nay.

Nhằm xây dựng lộ trình triển khai, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kế hoạch chuyển đổi theo nguyên tắc các tuyến buýt mở mới yêu cầu sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh. Dự kiến, số lượng phương tiện cho các tuyến buýt mở mới giai đoạn 2023-2030 là 4.800 xe (mỗi năm 600 xe).

Đối với các tuyến buýt đến năm 2025 hết hạn thầu (phải đấu thầu lại), nếu phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) được phép sử dụng tối đa đến 10 năm, sau đó thay phương tiện mới theo đúng yêu cầu. Tổng cộng trên 1.700 xe trên 111 tuyến sử dụng dầu diesel sẽ được chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh trong giai đoạn từ năm 2025-2035.

Cùng với xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn diện hợp lý, cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn và thách thức hiện nay.

D.A (Tổng hợp)