Kỳ vọng đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

22:02 11/07/2024

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong việc thu hút và thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 1.538 dự án mới với tổng vốn đăng ký gần 9,54 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ. Có 592 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng 35%. Có 1.420 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 57,7% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực đến kết quả thu hút ĐTNN 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023
Kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực đến kết quả thu hút ĐTNN 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà ĐTNN tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến quan trọng trong trung và dài hạn, nhất là khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc. Vốn thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023, thúc đẩy các hoạt động trong nước.

Đến 20/6/2024, cả nước có 40.544 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đăng ký.

Chất lượng các dự án đầu tư được cải thiện, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 6 tháng đầu năm. Vốn FDI tập trung vào các tỉnh thành có lợi thế như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và chủ yếu từ các đối tác châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Xu hướng dịch chuyển FDI năm nay có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dự báo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới còn yếu, các tiêu chuẩn mới và biện pháp can thiệp của một số Chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn giữ nhịp độ tích cực nhờ vào vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực và kinh tế vĩ mô ổn định.

Việt Nam có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong, đặc biệt là công nghệ và năng lượng tái tạo. Niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố, nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và tiềm năng trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam cần khắc phục một số điểm nghẽn như: chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời để giải quyết những vấn đề này, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến kết quả thu hút ĐTNN trong 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Trần Tùng