Farm School - loại hình mới cần hành lang pháp lý nào?

10:52 15/07/2024

Việc bổ sung và hoàn thiện pháp lý cho loại hình Farm School là việc cần thiết để giúp loại hình này đi vào hoạt động ổn định, đồng thời tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Xu hướng phát triển của “Farm School”

Farm School (trường học - nông trại) trên thực tế không phải là một loại hình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, mà hơn chục năm trước đã nhen nhóm xuất hiện. Xuất phát điểm ban đầu của mô hình này từ việc một số trường tiểu học vùng cao tận dụng quỹ đất trống ngay bên cạnh trường để trồng rau, nuôi gà  nhằm mục đích cải thiện bữa ăn hàng ngày cho giáo viên, đồng thời thêm không gian giáo dục trực quan cho trẻ em mang lại hiệu quả rõ rệt về kỹ năng sống và trải nghiệm, thay vì học lý thuyết qua sách vở.

Nhận thấy những lợi ích này có thể giúp cải thiện về trải nghiệm sống cho trẻ em ở các thành phố lớn, nơi mỗi ngày con trẻ bao bọc xung quanh bởi bốn bức tường cùng máy tính bảng, điện thoại, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở vùng ven, đồng thời kết hợp với các tổ hợp giáo dục để hình thành nên các farmstay có dịch vụ lưu trú ngắn hạn kết hợp hoạt động giáo dục kỹ năng sống trực tiếp cho con trẻ.

Các mô hình sau cũng được cập nhật cách phát triển, tổ chức từ các mô hình tương tự ở các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản hay Anh trong việc kết hợp giữa học tập và trải nghiệm thực tế. Trong đó, 2 phương pháp giáo dục của Montessori và Steam được nhiều tổ hợp Farm School xem như nền tảng để xây dựng các chương trình hoạt động của mình, kết hợp với các trường học từ mẫu giáo, tiểu học, thậm chí để Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông.

Lợi ích của các mô hình Farm School cho thấy khả năng tạo ra một không gian học tập gần gũi với thiên nhiên, nơi trẻ có thể học cách trồng cây, bắt cá, và chăm sóc động vật. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu biết về môi trường tự nhiên mà còn phát triển kỹ năng thực tiễn. Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori và STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học) trong quá trình tổ chức các lớp học được chứng minh giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, mô hình này còn rèn luyện cho trẻ các thói quen tốt theo phương pháp của Sean Covey, giúp trẻ phát triển toàn diện về kiến thức, thể chất và tinh thần.

Hiện nay với trào lưu công nghiệp hóa, đô thị hóa tràn lan, dẫn đến quy hoạch treo nhiều năm nên nhiều quỹ đất nông nghiệp bị bỏ hoang, ngập nước, gây ô nhiễm môi trường nặng nề và lãng phí, việc phát triển các Farm School ở nhiều địa phương cũng giải quyết bài toán mang lại giá trị cộng đồng, góp phần vào nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục và đào tạo.

Ghi nhận cho thấy, trong gần chục năm kể từ khi nhen nhóm và nở rộ với hàng trăm trung tâm hiện diện trên cả nước (đặc biệt nhiều ở một số địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh...), các mô hình chủ yếu theo hình thức tự phát theo hình thức hộ gia đình triển khai. Cho đến một vài năm gần đây mới bắt đầu có tổ chức lớn cũng công bố tham gia vào phát triển mô hình này, điển hình như Cen Group với dự án Cen X Wolrd đang triển khai tại Đảo Ngọc, (Đại Lải - Vĩnh Phúc).

Điều này cho thấy nhu cầu và tiềm năng lớn của các mô hình HomeStay, FarmStay và Farm School được nhiều gia đình và các Nhà đầu tư quan tâm. Dẫu vậy, một thực tế trong quá trình nghiên cứu về loại hình này hiện nay cho thấy loại hình này đang thiếu khung pháp lý trầm trọng, dẫn tới nguy cơ biến tướng và rủi ro trong công tác quản lý ở các địa phương.

Trong nhiều lần tham quan các điểm du lịch cộng đồng và canh nông ở Tây Bắc hay miền Trung, chúng tôi nhận thấy đều là các mô hình tự phát, chính quyền địa phương muốn khuyến khích cũng không có cơ sở pháp lý, người dân muốn phát triển rất dễ sai phạm vì các mô hình này đều xây dựng trên đất nông nghiệp, khó có thể quy hoạch chuyển đổi thành đất thương mại, dịch vụ và không có khung khổ pháp lý để hoàn thành các thủ tục rõ ràng theo quy định của pháp luật.

Những khó khăn trong việc chuyển đổi sang đất thương mại, dịch vụ thể hiện rõ ở những trang trại của các hộ dân có hoạt động chính vẫn là sản xuất nông nghiệp (vì trước hết phải tuân thủ theo quy định sử dụng đất), các căn Homestay hiện nay của người dân địa phương phần lớn vẫn phát triển từ khu vườn, nhà ở của chính mình. Đó là chưa nói đến việc chuyển nhượng sẽ có những vướng mắc và sẽ phát sinh những thỏa thuận ngoài pháp luật: Chuyển nhượng một tài sản có chức năng khác với tên gọi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp.

Đó là góc độ nguồn gốc đất, liên quan đến các mô hình trên, còn “Farm School” phải nhắc tới yếu tố rủi ro ở góc độ giáo dục, đào tạo. Thực tế, trong chương trình giáo dục phổ thông cải cách, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành qua Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT năm 2018, mô hình Farm School cũng nằm trong nội dung được khuyến khích phát triển. Sau đó, tới Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022; Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 919/QĐ-TTg 01/8/2022, thì Farm School cũng nằm trong danh mục các mô hình kinh tế được định hướng khuyến khích phát triển ở các địa phương, gắn với chương trình mục tiêu phát triển nông thôn mới.

Tuy nhiên, cho đến nay, vì chưa rõ quy hoạch, chưa rõ cơ sở hành lang pháp lý liên quan, chưa phân tách phạm vị trách nhiệm để các tổ chức, hộ gia đình cá nhân thực thi đúng khi xây dựng công trình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp, đào tạo và du lịch sinh thái, dẫn đến Người dân dễ dàng “lai hóa” biến tướng thành các loại hình khác. Ngoài ra, thiếu cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ để đảm bảo các "Farm School" hoạt động hiệu quả và đạt được các mục tiêu giáo dục đã đề ra. Trong khi đó, đối với các mô hình này, các tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu.

Việc tận dụng thế mạnh nông nghiệp để hình thành những mô hình nông trại sinh thái, xanh, nông trại, phục vụ chương trình “sạch từ trang trại đến bàn ăn” bền vững kết hợp đào tạo và du lịch nghỉ dưỡng, tận dụng những khu đất nghèo, hoang hóa, gây ô nhiễm để phát triển đề án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất “cởi trói” cho người dân là một hướng đi đúng cần khuyến khích. Tuy nhiên, nếu không được định hướng quản lý tốt, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến tướng mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch vùng, phá vỡ kế hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Vì thực tế hiện nay, đất để xây dựng nông trại trải nghiệm của hộ gia đình, cá nhân thường là đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất rừng. Có thể nói đây là hình thức sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp. Pháp luật đất đai hiện hành chưa có quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại hình sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp. Từ đó, dễ dẫn đến vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện chuyển đổi, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ảnh minh họa
TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam – Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Gấp rút bổ sung các quy định cần thiết

Luật Du lịch 2018 có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng, từ đó chúng ta nhận thấy “độ vênh” giữa quy định này với Luật Đất đai. Chính vì thế, lâu nay, nguồn nhân lực cộng đồng được các địa phương đánh giá là khá bị động khi tham gia hoạt động du lịch. Chúng ta vẫn chỉ thấy nguyên nhân từ cách đào tạo, đổ lỗi cho hạ tầng chung chung, hoặc đổ lỗi cho người dân tư duy ngắn hạn.

Khi nói đến việc làm gì để phát huy tốt vai trò của người dân, hướng đến sự phát triển bền vững thì các địa phương đều cho rằng cần cách làm bài bản. Thế nhưng, chúng ta quên mất rằng, nguồn gốc của vấn đề là hạ tầng, mà cụ thể ở đây là “quỹ đất” cho hạ tầng: Khi hạ tầng chưa được “gọi tên” thì mọi thứ kéo theo đều không thể thành chiến lược, thậm chí tạo ra rủi ro pháp lý cho người dân.

Cả Luật giáo dục và Luật Du lịch đều đề cập đến vấn đề này, trong Luật Du lịch còn quy định rõ phạm vi điều chỉnh liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch, nhưng không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển quỹ đất hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch.

Điều may mắn là Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 và sắp có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Luật này cung cấp khung pháp lý cho việc sử dụng đất vào mục đích giáo dục và phát triển cộng đồng. Đặc biệt, luật quy định việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng, “cởi trói” đất nông nghiệp, quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, bao gồm cả đất nông nghiệp kết hợp với thương mại và dịch vụ​.

Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho việc khuyến khích phát triển mô hình "Farm School" và các mô hình tương tự nêu trên phát triển bền vững, tạo điều kiện công ăn việc làm, sinh kế cho bà con  nông thôn, giải bài toán ruộng bỏ hoang, và ô nhiễm môi trường. Câu chuyện còn lại nằm ở các quy định hướng dẫn nhằm xác định rõ các loại đất dành cho kinh doanh dịch vụ du lịch, tránh việc mâu thuẫn với quyền lợi của các loại hình đất đai khác, chủ thể kinh doanh khác.

Bên cạnh đó, đề xuất của tôi cũng cho rằng cần Nhà nước phải có ưu tiên cho quy hoạch mô hình "Farm School" bởi mô hình không chỉ có ý nghĩa du lịch trải nghiệm mà còn ý nghĩa giáo dục và đào tạo trẻ em, lợi ích cộng đồng, nhu cầu và xu thế tất yếu của xã hội trong thời gian tới. Cần tạo điều kiện để người dân có đất nông nghiệp, kém năng suất, bị bỏ hoang hoặc khu vực ô nhiễm môi trường cần được ưu tiên phát triển cho loại hình này, Bên cạnh đó Người dân, các Nhà đầu tư cũng sẽ phải có ràng buộc khi triển khai, cam kết không được biến tướng kinh doanh như các loại hình bất động sản thương mại khác như nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng,…

Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng có cân nhắc đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính như miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào mô hình "Farm School". Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng mô hình trên quy mô lớn.

Với mô hình Farm School, tôi cho rằng phải có quy định chặt chẽ về việc hỗ trợ đào tạo đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc trong các "Farm School". Các chương trình đào tạo chuyên sâu về giáo dục trải nghiệm, quản lý nông trại và kỹ năng làm việc với trẻ em cần được xây dựng và triển khai nghiêm túc, có sự giám sát và kiểm định từ các tổ chức có chuyên môn cả trong và ngoài nước.

Điểm cuối cùng, theo tôi là tạo điều kiện cho các mô hình hợp tác công tư trong việc phát triển "Farm School". Các chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc đầu tư và quản lý các dự án giáo dục này cần được ban hành.

  1. TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam – Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)