Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều

18:55 08/08/2021

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều đã được quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 18/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.

Đây là chế tài góp phần đưa các quy định về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều vào cuộc sống; tạo chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều
Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Luật mới ban hành có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung mức phạt tối đa đối với lĩnh vực thủy lợi.

Về thẩm quyền xử phạt, luật sửa đổi đã bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Theo đó, bổ sung chi cục trưởng các chi cục: thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, giao Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đồng thời thay đổi mức phạt tiền của một số chức danh.

Về hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này.

Đây là những điểm mới cần phải bổ sung trong quá trình xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều để bảo đảm tính thống nhất.

PV