Định danh số nhà để minh bạch thị trường bất động sản

22:48 22/10/2023

Ngày 21/10/2023, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Bưu điện Việt Nam) nhằm thúc đẩy triển khai một trong các nội dung của Đề án 06.

Đây là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản, hỗ trợ bưu điện chuyển phát nhanh sử dụng khi giao hàng được chính xác…

Lễ ký kết giữa Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam
Lễ ký kết giữa Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Theo đó, bản thỏa thuận ghi rõ: “Hợp tác nghiên cứu, xem xét để ứng dụng, tích hợp nền tảng địa chỉ số, bản đồ số của Bưu điện Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động khác của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội”.

Sự hợp tác này sẽ tiến hành định danh số nhà và căn hộ chung cư để xác định mỗi người dân hiện đang sở hữu bao nhiêu bất động sản, dựa trên dữ liệu khi phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. Đồng thời, triển khai sàn giao dịch bất động sản quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức giao dịch nhằm giúp minh bạch thị trường bất động sản.

Cụ thể, muốn xác định được bất động sản thì phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các bất động sản đó. Do đó, định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ). Từ đó, tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, để cho những đơn vị trung gian khác khai thác, sử dụng.

Bộ Công an kỳ vọng kế hoạch này được triển khai sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho Nhà nước khi tận dụng được dữ liệu có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.

"C06 sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà" - Đại diện C06 cho biết. Đây cũng là giải pháp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 19/05/2023 về việc lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, còn giúp hiện thực hóa Nghị quyết 164 ngày 4/10/2023 của Chính phủ khi giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng thống nhất giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện nhằm thống nhất cách ghi số nhà. Ngoài ra, cũng giúp rà soát quy chuẩn nhà ở riêng lẻ, chung cư, trong đó có vấn đề phòng cháy, chữa cháy để khắc phục bất cập hiện nay, đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh - Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của C06, thông qua định danh số nhà, Nhà nước sẽ dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản và ở đâu. Có dữ liệu này, các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng.

Định danh số nhà để minh bạch thị trường bất động sản
Định danh số nhà để minh bạch thị trường bất động sản.

"Định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ). Từ đó tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, để cho những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh...) khai thác, sử dụng khi giao nhận hàng đảm bảo được chính xác nhất" - Thượng tá Vĩnh cho hay.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở, mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ quy luật đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin thu thập từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà.

Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống. Dự án Luật Thuế bất động sản dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Thực hiện Đề án 06 giúp người dân đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, thông tin cá nhân
Thực hiện Đề án 06 giúp người dân đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, thông tin cá nhân.

Khi tích hợp tất cả thông tin cá nhân vào Đề án 06, mỗi cá nhân chỉ có một mã số định danh cá nhân thay vì nhiều loại giấy tờ trước đây để có thể mua bất động sản ở các nơi nên chỉ cần tra cứu mã số định danh cá nhân, tất cả tài sản đều hiện lên. Đồng thời, các cơ quan chức năng biết được mỗi cá nhân có bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu bất động sản; nhà nào đang ở, đang cho thuê hay đang bỏ hoang. Trên cơ sở đó, ngành thuế sẽ kiểm soát bằng cơ sở dữ liệu big data để đánh thuế từng loại bất động sản. Điều này nhằm minh bạch thị trường và giúp Nhà nước quản lý hiệu quả.

Việc ký kết giữa C06 với Bưu điện Việt Nam được xem như là bước khởi đầu, tạo cơ sở dữ liệu và tiền đề cho các bộ ngành khác quản lý tổng thể bất động sản của mỗi cá nhân, gia đình. Khi đã có big data, mọi giao dịch về bất động sản của người dân sẽ giúp nhà nước quản trị chặt chẽ, hiệu quả và người dân sẽ phải trung thực, công khai, minh bạch mọi thứ, đặc biệt là thị trường bất động sản…

Hiện tại, Đề án 06 với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với với 15 Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp Nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Đến nay đã có hơn 84,3 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử đã được cấp cho 100% công dân đủ điều kiện. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia, thu nhận trên 64 triệu tài khoản định danh điện tử - VNeID, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản.

Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này đã giúp xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt ; xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh; dùng căn cước công dân, ứng dụng VNeID tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính , phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro; xác thực thông tin thuê bao di động...

Trần Tùng