Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, phiên họp tập trung vào việc hoàn thiện các nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), gồm 8 chương, 55 điều – giảm 3 điều so với bản trình Quốc hội tại đợt 1, kỳ họp thứ 9.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, qua thảo luận trước đó tại Quốc hội, nhiều đại biểu đề xuất mở rộng hoặc ưu tiên đối tượng được vay vốn ưu đãi. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đơn vị sử dụng nhiều lao động nữ, lao động cao tuổi, cũng như các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tiếp thu tinh thần này, Dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội để linh hoạt quyết định mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với lãi suất thấp hơn, đồng thời áp dụng chính sách tương tự đối với vay vốn duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ người lao động xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Quy định này được đánh giá sẽ tạo cơ chế chủ động cho Chính phủ trong điều hành, kịp thời hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ tổn thương, đồng thời thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, bao trùm và bền vững hơn.
![]() |
Đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi |
Ngoài chính sách vay vốn, một nội dung nhận được nhiều ý kiến tại phiên họp là mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Một số đại biểu đề nghị tăng mức hưởng lên tối thiểu 65% và cho phép Chính phủ được điều chỉnh tối đa tới 75% trong các tình huống khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh quy mô lớn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, mức hiện hành là 60% tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp. Mức này được xác định trên nguyên tắc đóng – hưởng, đảm bảo tính khả thi của quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tương thích với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, mức trợ cấp hiện tại có thể hỗ trợ người lao động ổn định đời sống trong thời gian tìm việc mới, đồng thời duy trì được tính bền vững về tài chính của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong dài hạn. Do đó, Ủy ban đề nghị giữ nguyên mức hưởng như quy định tại Dự thảo.
Việc tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm lần này thể hiện sự cầu thị, lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội và thực tiễn từ người lao động, doanh nghiệp. Giao quyền chủ động cho Chính phủ trong điều chỉnh đối tượng và mức vay vốn theo tình hình thực tế được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong tiếp cận chính sách việc làm – một trụ cột quan trọng của an sinh xã hội.
Cùng với việc giữ mức trợ cấp thất nghiệp hợp lý, cân bằng giữa hỗ trợ người lao động và đảm bảo an toàn tài chính, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang dần định hình khung pháp lý cho một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.