Bình Phước: Đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển bền vững

11:10 07/06/2024

Hội thảo về sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo đã diễn ra tại Bình Phước, với mục tiêu nâng cao nhận thức về bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ.

Hội thảo “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững” diễn ra tại Bình Phước, sáng 6/6
Hội thảo “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững” diễn ra tại Bình Phước, sáng 6/6.

Sự kiện này quy tụ khoảng 150 đại biểu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Trong bài phát biểu mở đầu, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, nhấn mạnh tầm quan trọng của SHTT trong bối cảnh kinh tế tri thức và chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt là trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước, đã chia sẻ về những nỗ lực của tỉnh trong việc ban hành các chính sách nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bảo hộ quyền SHTT, như chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” và nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về quyền SHTT, cách thức khai thác và phát triển tài sản trí tuệ để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, với mục tiêu phát triển bền vững. Các chủ đề bao gồm đổi mới sáng tạo xanh, quản lý và phát triển bền vững tài sản trí tuệ, và các giải pháp cho chuỗi cung ứng và thương mại hóa sản phẩm.

Hội thảo thúc đẩy đổi mới  trong chuỗi cung ứng và thương mại hóa sản phẩm để nâng cao khả năng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp
Hội thảo thúc đẩy đổi mới trong chuỗi cung ứng và thương mại hóa sản phẩm để nâng cao khả năng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.

TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Giám đốc Trung tâm Đổi mới xanh, Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, cho biết, ĐMST xanh được bắt đầu từ doanh nghiệp xanh, với các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Doanh nghiệp xanh phải đảm bảo đời sống cho người lao động và các nhà cung cấp của họ. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cần liên tục cải thiện, tìm cách tiếp cận và hướng tới sự bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Để ĐMST xanh, TS. Phượng kiến nghị: “Chúng ta cần sự đồng hành và kết nối phát triển mối quan hệ của Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Thanh niên khởi nghiệp và Nhà truyền thống. Đồng thời đưa ra các chính sách liên minh đổi mới sáng tạo xanh kết hợp toàn tỉnh và liên kết vùng”.

Ngoài ra, cần đặt hàng nghiên cứu các dự án ĐMST nhằm thu hút nhân tài, kết nối với Thanh niên khởi nghiệp (cá nhân xuất sắc), doanh nghiệp và các tập đoàn và viện trường.

TS Phạm Thị Hồng Phượng nói về các giải pháp cho ĐMST xanh
TS. Phạm Thị Hồng Phượng nói về các giải pháp cho ĐMST xanh.

Hội thảo cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, hướng tới một tương lai xanh và phát triển bền vững cho tỉnh Bình Phước.

Trần Tùng