Bình Dương quyết liệt đầu tư để khai thác hệ thống giao thông vận tải thủy dọc sông Sài Gòn

20:35 16/07/2024

Để ngành logistics phát triển đúng tiềm năng, Bình Dương đang đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho bãi, và kết nối với các cảng biển, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực.

UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt quyết định phát triển khu vực đô thị dọc đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cụ thể là khu số 1 thuộc TP. Bến Cát. Khu vực này sẽ bao gồm 10 khu đô thị và 4 cảng, nằm trên tổng diện tích khoảng 2.702 ha tại các phường An Tây, An Điền và xã Phú An. Đây sẽ là một khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ quan trọng, kết nối với TP. Hồ Chí Minh qua tuyến giao thông Vành đai 4.

Trong đó, tại phường An Tây sẽ xây dựng ba cảng: cảng An Tây với diện tích 100 ha và vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng dự kiến hoàn thành từ năm 2025 đến 2030; cảng Rạch Bắp rộng 8,51 ha và cảng An Điền rộng 7,5 ha, mỗi cảng có vốn đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2027 đến 2040. Tại xã Phú An, cảng thủy nội địa Cái Lăng sẽ được xây dựng trên diện tích 2,6 ha với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành từ năm 2027 đến 2040. Tất cả các dự án này sẽ được tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương, công tác đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai quyết liệt từ năm 2021 đến nay, bao gồm các dự án cao tốc và vành đai do Trung ương quản lý nhưng giao cho địa phương thực hiện. Hiện tại, các tuyến đường quốc lộ đã và đang được nâng cấp và mở rộng, sử dụng cả ngân sách nhà nước và vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Các trục giao thông quan trọng kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành phố lân cận như đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2, Quốc lộ 13, đường Vành đai 3, và đường Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương đang được khẩn trương triển khai. Đặc biệt, dự án đường Vành đai 4 dài 207 km đi qua 5 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, trong đó đoạn qua Bình Dương dài 47,5 km. Đoạn qua khu công nghiệp Mỹ Phước 3 và Mỹ Phước 4 đã được hoàn thành và đưa vào khai thác.

Để ngành logistics phát triển đúng tiềm năng, Bình Dương đang đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho bãi, và kết nối với các cảng biển, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực. Điều này nhằm đảm bảo sự luân chuyển hàng hóa thuận lợi. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm đối tác có năng lực để xây dựng các cảng sông, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2040. Các cảng này sẽ phục vụ vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics và hệ thống vận tải đa phương thức. Hệ thống vận tải thủy dọc sông Sài Gòn khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm luân chuyển hàng hóa khu vực, giảm tải giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vân Nguyễn