Bình Dương triển khai hiệu quả các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản

10:15 13/07/2024

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 28 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Dương
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Dương.

Chiều 12/7, tại Bình Dương, Đoàn công tác số 3 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo về tình hình quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội của đại diện UBND tỉnh cho thấy, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 28 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tỉnh đã trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ ba cả nước. Tốc độ phát triển công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhà ở. Đến nay, tỉnh có 359 dự án nhà ở thương mại và 41 dự án nhà ở xã hội đang triển khai.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bình Dương có tỷ lệ người lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc đông, chiếm khoảng 53,5% dân số trên địa bàn, nhu cầu nhà ở rất lớn. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bình Dương đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó đặt ra chỉ tiêu phát triển hơn hơn 160.000 căn, gần gấp đôi chỉ tiêu được giao. Đề án được ban hành sẽ là cơ sở để tỉnh thực hiện các bước chi tiết, cụ thể hóa thành các kế hoạch.

Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh cũng đã đề ra mục tiêu nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người và tổng diện tích sàn nhà ở mới, đáp ứng nhu cầu dân số và phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng từ năm 2015 đến 2023, tỉnh đã phê duyệt hàng trăm dự án nhà ở thương mại gồm nhà phố, chung cư, đất nền. Về nhà ở xã hội, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở liền kề thấp tầng và 6 dự án nhà ở chung. Trong giai đoạn 2016-2021 có 17 dự án và 1 đề án nhà ở xã hội đã được đầu tư với tổng diện tích sàn 1,33 triệu m2/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch.

Khu nhà ở xã hội Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Khu nhà ở xã hội Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Bình Dương đã báo cáo về những tồn tại và hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đáng chú ý là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán còn phức tạp và kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, việc huy động vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, tỉnh có 28 dự án phát triển nhà ở gặp khó khăn trong triển khai, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản gặp khó khăn, thay đổi chính sách pháp luật, yếu kém về tài chính và kinh nghiệm của chủ đầu tư, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương đã bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Thời gian qua, Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai hiệu quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.

Đồng chí cũng đề nghị, tỉnh Bình Dương cần lưu tâm tới các dự án chưa giao đất, không để nguy cơ mất cân đối cung cầu; có kế hoạch trọng tâm trong việc phát triển nhà ở. Đồng thời, cần làm rõ, cụ thể hơn các kế hoạch đã nêu; tiếp tục rà soát về mặt thể chế, nhất là những luật mới ban hành; tính toán, xác định lại nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp; xem xét giải quyết vướng mắc của các dự án hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế, tạo thuận lợi phát triển nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, cơ chế; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức thực hiện; nhóm tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; nhóm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Quốc hội cho phép các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp (nhà đầu tư nước ngoài và trong nước) được phép mua nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân ở hoặc thuê, kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn và ban hành một số cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định xã hội. Do đó, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, cải thiện các quy định pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường quỹ đất và nguồn vốn, nâng cao chất lượng nhà ở và phát triển các gói vay ưu đãi, xây dựng thị trường bất động sản ổn định, phát triển bền vững.

Hoàng Thu