Việt Nam sẽ trở thành một trong 20 cường quốc kinh tế hàng đầu

00:00 12/10/2020

"Việt Nam ngày càng tăng cường tập trung vào chất lượng tăng trưởng, qua đó thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn trong 3-5 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực tư liệu sản xuất. Theo tôi, Việt Nam là một trong những nước "thân thiện" nhất đối với các nhà đầu tư tại khu vực châu Á... Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trên thế giới vào năm 2050 và trở thành một trong 20 cường quốc kinh tế hàng đầu....". Đó là đánh giá của cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Euro Cham) - ông Andreas Stoffers....

 Ông Andreas Stoffers- cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham)

Thưa ông, với vai trò là cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham): ông đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam như thế nào trong 3-5 năm qua?

 Ông Andreas Stoffers: Tôi đã biết tới Việt Nam và môi trường đầu tư của Việt Nam trong 10 năm qua. Thời gian đầu làm việc ở Việt Nam, tôi nhận thấy đất nước này vẫn còn tập trung vào số lượng tăng trưởng. Điều này đã thay đổi tích cực hơn nhiều kể từ khi kinh tế toàn cầu đối mặt với cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Kể từ sau đó, Việt Nam ngày càng tăng cường tập trung vào chất lượng tăng trưởng, qua đó thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn trong 3-5 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực tư liệu sản xuất. Theo ý kiến của tôi, Việt Nam là một trong những nước “thân thiện” nhất với các nhà đầu tư tại khu vực châu Á. Đồng thời, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với tiến sỹ Oliver Massmann từ Công ty luật DuaneMorris Vietnam, người đã nhiều lần tái khẳng định điều này trong nhiều năm thông qua các ấn phẩm và bài thuyết trình của mình.

Xin ông cho biết cảm nghĩ về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2019? Và cơ hội từ Hiệp định này dành cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam?

Ông Andreas Stoffers: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EUVNFTA) đang kỳ vọng sớm được phê chuẩn, sẽ giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư hơn nhiều so với trước đây, với cơ chế Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS). Trong những năm tới, thậm chí Việt Nam có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn, như là một trung tâm đầu tư của EU vào ASEAN và qua đó loại bỏ các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan và Malaysia.

 Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là việc triển khai EUVNFTA phải được thực hiện một cách thực chất. Tất cả chúng ta đều biết rằng tôi coi các hàng rào phi thuế quan (NTBs) ngày nay quan trọng hơn các biểu thuế gần như đã "lỗi thời". Ngẫu nhiên, cán cân thương mại giữa Đức và Việt Nam là tích cực theo quan điểm của người Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể hưởng lợi khá nhiều từ trong thương mại song phương và cơ hội sẽ dành cho cả hai nước.

Theo ông, những thách thức tiếp theo đối với Việt Nam là gì? Và làm thế nào để vượt qua những thách thức đó?

Ông Andreas Stoffers: Tôi nhận thấy những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện còn tồn tại trong các lĩnh vực sau: Thứ nhất là giáo dục: Đầu tiên, cần phải xem xét lại về chất lượng giáo dục đại học, với việc xây dựng các yếu tố thực tế hơn, ví dụ triển khai một chương trình đào tạo đại học kép (Dual Studium) như thường thấy ở Đức. Mặt khác, đào tạo nghề, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật cần được chú ý đặc biệt.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng và tính bền vững: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn đang cần cải thiện. Điều này đặc biệt đúng với mạng lưới đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, đầu tư bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là những việc rất cấp thiết, ví dụ như Hệ thống xử lí nước thải, các nguồn năng lượng tái tạo và các công trình xanh.

Theo ông, những rào cản thương mại nào Việt Nam nên xem xét hoặc áp dụng để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, nhưng phù hợp với luật pháp quốc tế và đặc biệt là theo tinh thần của Hiệp định Thương mại tự do?

Ông Andreas Stoffers: Câu hỏi đặt ra là: có nên triển khai biện pháp bảo hộ cho các công ty trong nước ở Việt Nam hay không? Ví dụ, khi Việt Nam xuất khẩu sang Đức nhiều hơn nhập khẩu từ Đức, có lẽ khi đó nền kinh tế Đức mới cần được bảo vệ. Tuy nhiên, không ai muốn điều này xảy ra. Các ý tưởng của chủ nghĩa tự do và thương mại tự do theo hướng "chiếc bánh trở nên lớn hơn", điều này có nghĩa là sự tăng trưởng của một bên không nhất thiết ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bên còn lại. (Vui lòng tham khảo các ấn phẩm của nhà tư tưởng tự do vĩ đại Ludwig von Mises, hiện đã được xuất bản tại Việt Nam).

Thực sự là sự cạnh tranh trên toàn cầu đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là trong khối các nước ASEAN. Nhưng chất lượng sẽ thắng thế, và tôi nghĩ Việt Nam có vị thế tốt để tồn tại trong môi trường cạnh tranh trong tương lai. Hầu hết các nhà kinh tế Việt Nam cũng đi đến kết luận này, đặc biệt là những nhà kinh tế được nhắc đến trong cuốn sách của tôi mang tên “Triển vọng đối với Việt Nam và Đức trong bối cảnh hội nhập kinh tế ASEAN và EU", do tôi hợp tác với Tiến sĩ Nguyễn Anh Thu trong suốt 2 năm. Như vậy, ta có thể đi đến kết luận rằng Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều, song cuối cùng những nỗ lực đó cũng mang lại hiệu quả. Hãy nhìn vào báo cáo “Thế giới năm 2050” của Công ty kiểm toán PwC, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trên toàn thế giới vào năm 2050 và trở thành một trong 20 cường quốc kinh tế hàng đầu.

Bên cạnh các hoạt động về kinh tế còn có các hoạt động công đoàn; hoạt động vì môi trường và quyền sáng chế. Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề này ở Việt Nam? Và ông mong đợi điều gì?

Ông Andreas Stoffers: Việt Nam sẽ không sai lầm nếu tập trung hơn vào vấn đề bảo vệ môi trường trong tương lai. Một vài dự án về phát triển bền vững quan trọng hiện đã được triển khai, nhưng vậy vẫn là chưa đủ. Tôi muốn sự hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là với các công ty châu Âu, vốn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ở đây tôi xin nhắc đến những công ty có tên tuổi như Siemens hay các Tập đoàn vừa và nhỏ.

 Liên quan đến luật sáng chế, theo tôi không phải mọi thứ đều có thể hoàn hảo. Nhưng tôi nhận thấy rằng vấn đề này sẽ được cải thiện ở Việt Nam. Với việc thông qua EUVNFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), cùng một số thỏa thuận khác, cũng như xu hướng Việt Nam sẽ phát triển để trở thành một nước công nghiêp hóa trong vài năm tới, thì sự cải thiện luật sáng chế sẽ giúp ích cho chính sự phát triển của Việt Nam.

 Bạn nghĩ sao khi Vinfast đã bắt đầu tự phát triển? Việt Nam chắc chắn sẽ dần “dị ứng” với vấn đề sao chép bản quyền sáng chế từ những nước khác, ví dụ từ các nước kém phát triển hơn thuộc ASEAN.

EuroCham thường xuyên đưa ra những báo cáo về môi trường đầu tư tại Việt Nam và những khuyến nghị của các công ty châu Âu đối với Việt Nam. Vậy ông nhận xét thế nào về những phản hồi từ Chính phủ Việt Nam? Theo quan điểm của ông thì đâu là vấn đề cấp bách nhất mà Việt Nam chưa thể giải quyết?

Ông Andreas Stoffers: Những báo cáo của EuroCham, bao gồm cả Sách Trắng thường niên, cung cấp những hướng đi quan trọng và những khuyến cáo cho những nhà lãnh đạo của Việt Nam. Theo quan điểm của riêng tôi, một mặt EuroCham rất quan tâm tới Việt Nam và sự phát triển kinh tế của nước này. Mặt khác, EuroCham có cách đề cập thân thiện nhưng cũng rất rõ ràng về các vấn đề mà hiệp hội này thấy cần phải có sự can thiệp của chính phủ. Người Việt Nam gọi đó là "nói thẳng" và đánh giá cao điều đó. Bởi vậy, tôi tin rằng những cảnh báo của EuroCham cũng sẽ được Chính phủ Việt Nam cân nhắc. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn được thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn, và quan trọng hơn cả là sự đánh giá cao hơn của công chúng.

Xin cảm ơn ông!

Anh Dũng