Ví điện tử gấp rút lên ngôi tại Đông Nam Á

00:00 12/10/2020

Số lượng người tiêu dùng trực tuyến tại Đông Nam Á đang tăng trưởng theo cấp số nhân, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo, mở đường cho sự lên ngôi của ví điện tử.

Ví điện tử gấp rút lên ngôi tại Đông Nam Á

Dù Đông Nam Á hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, song số lượng người thích thanh toán bằng tiền mặt đã giảm còn 34% so với mức 40% vào năm ngoái.

Năm ngoái, Công ty Tư vấn Bain & Co. dự báo, số lượng người tiêu dùng theo hình thức trực tuyến tại Đông Nam Á (ĐNÁ) sẽ cán mốc 310 triệu người trước năm 2025. Tuy nhiên, trong báo cáo tiếp nối vừa công bố mang tên Digital Consumers of Tomorrow, Here Today, công ty này cho rằng, số người tiêu dùng trực tuyến có thể sẽ đạt đến con số trên ngay trong năm 2020. 

Đồng nghĩa, gần 70% người tiêu dùng tại ĐNÁ sẽ chuyển sang mua sắm hàng hoá, dịch vụ thông qua kênh trực tuyến vào cuối năm nay. Thêm vào đó, báo cáo cũng cho biết, mức chi tiêu bình quân của mỗi người sẽ tăng khoảng 3 lần, từ 124 USD trong năm 2018 lên 429 USD vào năm 2025. So với mức chi tiêu bình quân dự báo trước đó được Bain & Co. công bố, con số này tăng gần 10%.

Được biết, Bain & Co. đã phối hợp với Facebook khảo sát trên 16.500 người tiêu dùng trực tuyến từ 6 quốc gia là Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam để đưa ra các số liệu nói trên. 

Ông Praneeth Yendamuri - một đối tác tại Bain & Co., nhận xét: "Người tiêu dùng trực tuyến ở ĐNÁ đang tăng trưởng theo cấp số nhân, khi mức dự báo cho 5 năm được rút ngắn lại chỉ còn 1 năm". 

Trong khi đó, trước sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng người tiêu dùng trực tuyến, báo cáo từ Bain & Co. cho rằng, con số 5 năm được rút ngắn chỉ còn 1 năm đã cho thấy những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển của ngành thương mại điện tử (TMĐT). 

Theo báo cáo, chi tiêu trực tuyến của ĐNÁ hiện ở mức 5% tổng thị trường bán lẻ, cao hơn 1% so với Ấn Độ. Riêng tổng giá trị hàng hóa trên sàn TMĐT tăng 23%/năm trong giai đoạn 2018 đến 2020, nhanh hơn Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ trong cùng kỳ. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh đe doạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến của ĐNÁ vẫn được dự báo đạt 53 tỷ USD vào năm nay, trước khi tăng gấp 3 lần, lên 147 tỷ USD vào năm 2025. 

Báo cáo cũng cho thấy, người tiêu dùng ĐNÁ đang mua hàng trực tuyến nhiều hơn, với 43% người được khảo sát cho biết, họ hiện có xu hướng mua nhiều hàng tạp hoá. Nói như CEO của Facebook tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Sandhya Devanathan thì, "thị trường TMĐT của ĐNÁ đang bứt phá vượt bậc".

Và, đi cùng với xu hướng này, ví điện tử cũng như thói quen sử dụng ví điện tử được dự báo sẽ gấp rút lên ngôi tại ĐNÁ. Theo báo cáo, dù khu vực này hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, song số lượng người thích thanh toán bằng tiền mặt đã giảm còn 34% so với mức 40% vào năm ngoái. Hơn nữa, khoảng 22% người được khảo sát cho biết, họ hiện thích giao dịch bằng ví điện tử hơn, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2019.

Thị trường TMĐT của ĐNÁ đang bứt phá vượt bậc

Thị trường TMĐT của ĐNÁ đang bứt phá vượt bậc

Ví điện tử trên điện thoại

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), 49% người tiêu dùng ở khu vực thành thị và là khách hàng của các ngân hàng thương mại tại ĐNÁ đã sử dụng ví điện tử. Trong báo cáo Southeast Asian Consumers Are Driving a Digital Payment Revolution, tập đoàn này dự báo, trước năm 2025, tỷ lệ nói trên sẽ đạt tới 84%.

Trên thực tế, xu hướng sử dụng ví điện tử hoàn toàn có thể tăng tốc sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh của Covid-19, khi đại dịch này "đã và đang thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ trong thanh toán số và giao hàng tận nhà". Đồng thời, việc "đại dịch bùng phát và những hậu quả của nó sẽ buộc nhiều hộ gia đình tại ĐNÁ phải làm quen với thanh toán số", BCG nhận định.

Hiện, Malaysia đang là quốc gia dẫn đầu xu hướng sử dụng ví điện tử tại ĐNÁ, với tỷ lệ là 40%, theo một nghiên cứu mới đây từ Mastercard. Đứng sau Malaysia trong bảng xếp hạng Philippines (36%), Thái Lan (27%) và Singapore (26%).

Báo cáo từ Mastercard cũng cho biết, gần 50% người tiêu dùng được khảo sát tại Malaysia đã tăng cường hoạt động mua sắm trực tuyến; một số hoạt động khác cũng ghi nhận tăng trưởng là lướt web đọc tin tức và giải trí, truyền phát video trực tiếp, tham gia mạng xã hội và đặt giao thức ăn đến nhà. 

Riêng tại Singapore, Philippines và Thái Lan, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỷ lệ sử dụng tiền mặt cũng giảm lần lượt 67%, 64% và 59%, khi người dân chuyển sang thanh toán không tiếp xúc.

Vi-die-n-tu-ga-p-ru-t-le-n-ngo-2991-4413

Khảo sát của STICPAY về Mục đích sử dụng ví điện tử của người tiêu dùng châu Á: Thương mại (54%), Game online (30,6%), Mua sắm trực tuyến (9,6%), Chuyển tiền cho gia đình và bạn bè (3,6%), Nhận lương (1,6%). Ảnh: The Asean Post

Xu hướng sử dụng ví điện tử

Theo một cuộc khảo sát mới đây về sở thích sử dụng ví điện tử của người tiêu dùng châu Á do STICPAY - một công ty fintech có trụ sở tại London thực hiện, rút tiền nhanh và phí giao dịch thấp là 2 tiêu chí chủ chốt để người dùng tại khu vực này lựa chọn ví điện tử. Một số tiêu chí khác cũng được liệt kê là tính năng thẻ trả trước, tùy chọn chuyển khoản liên ngân hàng tại địa phương, phương thức gửi tiền đa dạng, sự an toàn và bảo mật thông tin.

Đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người dùng, các đơn vị phát triển ví điện tử trong những năm qua cũng đã từng bước mở rộng các giải pháp và dịch vụ của mình. Theo Joel Yarbrough - Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nhà cung cấp giải pháp fintech Rapyd, xu hướng phát triển kế tiếp của ví điện tử sẽ là tính năng chuyển tiền xuyên biên giới và giao dịch ngoại hối.

Đối với các đơn vị phát triển ví điện tử, "cần tăng số trường hợp sử dụng trên thực tế bằng cách tạo ra nhiều phương thức hơn để mọi người đều có thể sử dụng ví điện tử, chẳng hạn như thanh toán tại cửa hàng và trực tuyến", ông Yarbrough nói. 

Riêng về những thách thức mà ví điện tử có thể phải đối mặt tại ĐNÁ, BCG đã liệt kê 3 yếu tố, gồm phổ biến sử dụng ví điện tử trong các cộng đồng, nâng cao lòng trung thành và giá trị của khách hàng, cũng như tăng sự chấp thuận của các đối tác.

Khởi Vũ