Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao

00:00 12/10/2020

Tỉ phú Andre Koo tiếp quản Chailease (Đài Loan), đưa công ty của gia tộc từ kinh doanh nhỏ, không thành công thành một trong những công ty cho thuê tài chính phát triển nhanh nhất khu vực.

Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao - ảnh 1
 

“Sở trường của chúng tôi là tìm kiếm thị trường ngách,” Koo, 52 tuổi, cho biết. Ông sở hữu cổ phần kiểm soát tại Chailease và là một trong số giám đốc điều hành. “Chúng tôi vô cùng tự tin rằng mình có thể quản lý hồ sơ rủi ro trong các thị trường đó cực kỳ tốt.”


Nhờ những thành công trong kinh doanh cho thuê tài chính, Andre Koo Sr. vào danh sách 50 người giàu nhất Đài Loan, với giá trị tài sản ròng ước tính đạt 2,3 tỉ USD. 

Năm 1997, ông nắm quyền lãnh đạo Chailease Holdings, công ty niêm yết có trụ sở tại Đài Bắc do người cha quá cố Jeffery Koo Sr. thành lập vào năm 1977.

Koo đã biến Chailease từ một mảng kinh doanh nhỏ kém thành công giữa một loạt công ty tài chính của gia tộc thành một trong những công ty cho thuê tài chính phát triển nhanh nhất châu Á, với giá cổ phiếu tăng gấp bảy lần trong chín năm qua, đạt vốn hóa thị trường 5,5 tỉ USD.

Bí quyết tăng trưởng của công ty đạt doanh thu hằng năm trị giá 1,7 tỉ USD này là chú trọng vào các doanh nghiệp quá nhỏ hoặc quá đặc thù khó có thể vay ngân hàng. “Sở trường của chúng tôi là tìm kiếm thị trường ngách,” Koo, 52 tuổi, cho biết.

Ông sở hữu cổ phần kiểm soát tại Chailease và là một trong số giám đốc điều hành. “Chúng tôi vô cùng tự tin rằng mình có thể quản lý hồ sơ rủi ro trong các thị trường đó cực kỳ tốt.”

Năm ngoái, Chailease lọt vào danh sách Các công ty tốt nhất trên một tỉ đô la Mỹ lần đầu tiên của châu Á, gồm 200 công ty hàng đầu với doanh thu từ một tỉ đô la Mỹ trở lên. Nhà phân tích Ken Shih của công ty DBS Research tại Hong Kong nhận định: “Chailease có hệ thống hồ sơ theo dõi độc đáo và hiệu quả.”

Cuối tháng 11, Chailease công bố kết quả của ba quý đầu năm 2019 đạt 386 triệu USD trên doanh thu 1,4 tỉ USD. Vào những năm 1980, Chailease cho các công ty hàng đầu của Đài Loan thuê thiết bị xây dựng, sau đó theo chân các công ty này mở rộng ra khắp châu Á, cho thuê mọi thứ từ ô tô và máy bay đến thiết bị nhà bếp và tàu biển.

Qua nhiều thập niên, công ty này tích lũy được lượng thông tin mà bây giờ người ta gọi là dữ liệu lớn, ở khắp mọi ngành mà họ hỗ trợ tài chính. “Sức mạnh chủ chốt của công ty là lượng dữ liệu có bề dày 40 năm, giúp công ty cải thiện các mô hình rủi ro tín dụng nội bộ,” Shih cho biết.

Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao - ảnh 2

Giờ đây, Koo sẵn sàng sử dụng những hiểu biết đó để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh hiện hữu của Chailease ở Trung Quốc đại lục, bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19 và tình trạng ngày càng nhiều công ty không thể trả nợ đúng hạn (vi phạm nghĩa vụ trả nợ).

Hoạt động cho thuê tài chính của Chailease ở Trung Quốc đại lục đã tăng 26% trong năm 2019, lên mức 131 tỉ Tân Đài tệ (4,4 tỉ USD), chiếm hơn một phần ba tổng danh mục đầu tư gần 13 tỉ đô la Mỹ của công ty. Kevin Liao, phó chủ tịch điều hành cấp cao của Chailease, nói: “Tăng trưởng có thể sẽ chậm lại một chút vì tình hình dịch bệnh.”

Mặc dù văn phòng của Chailease ở Vũ Hán hiện đã đóng cửa, nhưng ông cho biết: “Chúng tôi dự kiến chắc chắn sẽ tăng trưởng liên tục ở Trung Quốc trong 10, 20 năm tới.”

Chailease chỉ là phần nhỏ của một đế chế lớn hơn nhiều thuộc về gia tộc của Koo, do ông cố Koo Hsien-jung tạo dựng từ hơn một thế kỷ trước. Nổi bật nhất là CTBC Bank, được cha của Koo, Jeffrey Sr., thành lập vào năm 1966 và đang thuộc quyền quản lý của người anh cả Jeffrey Jr. của Koo, cựu sinh viên trường kinh doanh Wharton, hiện 55 tuổi.

Tính theo giá trị tài sản 105 tỉ USD vào năm 2018, đây là ngân hàng tư nhân lớn nhất Đài Loan. Tiếp đến là ngân hàng đầu tư China Development Financial Holdings, với tài sản trị giá 100 tỉ USD, do Angelo Koo, 54 tuổi, con trai thứ hai của Jeffrey Sr., cũng cựu sinh viên trường kinh doanh Wharton, điều hành. Angelo Koo đã giữ vị trí chủ tịch ngân hàng này trong năm năm (và hiện cũng đang điều hành một trong những công ty con của ngân hàng này).

Là con út trong ba người con trai của Jeffrey Sr., Koo đi con đường khác trước khi trở thành chủ tịch của Chailease. Bị những tờ quảng cáo rực rỡ của học viện Quân sự New York thu hút, năm 14 tuổi, ông đã thuyết phục cha mẹ đăng ký ghi danh cho ông tại học viện này, nơi có những cựu sinh viên nổi tiếng như Donald Trump.

Khi đến đó, ông nhận ra mình chưa hề được chuẩn bị tâm lý cho sự khắc nghiệt của trường quân sự. “Rất nhiều lần, tôi muốn bỏ học,” ông kể. Nhưng giờ đây, ông lại thấy rất vui vì mình đã cố gắng trụ lại – Koo cho biết, việc thấm nhuần phong thái làm việc mạnh mẽ và kỷ luật của học viện đã giúp ông thành công.

Koo nối bước cha mình, lấy bằng MBA của trường Stern School thuộc NYU vào năm 1994, sau đó ở lại New York để làm việc cho công ty đầu tư bất động sản Colony Capital trong một năm. Ông cho biết: “Nhà sáng lập Thomas Barrack đã hướng dẫn tôi và khiến tôi thấy hứng thú với bất động sản. Nhờ đó, tôi hình dung được điều mình muốn làm.”

Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao - ảnh 3

Koo tốt nghiệp học viện Quân sự New York (trang 108). Tạo dáng cùng bố Jeffrey Koo Sr. (bên trái). Là một học viên sĩ quan, Koo chịu trách nhiệm chăm sóc ngựa và chuồng ngựa (hình trên). Koo cho biết, việc thấm nhuần phong thái làm việc mạnh mẽ và kỷ luật của học viện đã giúp ông thành công.

 

Koo nghỉ việc ở Colony để giám sát các khoản đầu tư bất động sản của gia đình ở Hoa Kỳ, bao gồm các khách sạn Hilton và Radisson. “Đó là thời gian thú vị, vui vẻ nhất trong cuộc đời tôi,” ông nói về hai năm làm việc trong mảng khách sạn của mình.

Tuy nhiên, năm 1996, Jeffrey Sr. đã gọi con trai út trở về Đài Loan để góp sức xoay chuyển tình thế cho đế chế của mình, Chailease. Nhiệm vụ đầu tiên của Koo: tìm hiểu về các chi nhánh của Chailease. Thời điểm đó, Chailease đã có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tài chính của Đài Loan.

Shirley Hsu, nhà phân tích của Fitch Ratings tại Đài Bắc cho biết, Chailease phục vụ các khách hàng thuộc “khoảng trống tài chính mà các ngân hàng bỏ qua, vì cho rằng đó là các khoản vay có rủi ro cao, lợi nhuận thấp.”

Chailease tiến vào khoảng trống đó, cung cấp khoản vay cho các công ty nhỏ bị hầu hết các ngân hàng từ chối. Khi mở rộng về mặt địa lý, Chailease cũng bắt đầu mở rộng các dịch vụ của mình, đưa thêm vào các chương trình như giao dịch thuê để sở hữu và tài trợ cho khoản phải thu.

Thời điểm Koo tham gia, Chailease đã nắm giữ 40% thị phần cho thuê tài chính của Đài Loan. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn, ông phát hiện ra lợi nhuận đang bị phân mảnh do có quá nhiều đơn vị riêng lẻ, mỗi đơn vị đáp ứng các quy định của một loại hình sản phẩm cụ thể, nhưng sau đó lại tranh giành cùng một đối tượng khách hàng. “Có quá nhiều mâu thuẫn,” ông kể.

Năm 1998, Koo đề xuất sáp nhập đơn vị tài trợ thương mại Chailease với doanh nghiệp cho thuê tài chính để giảm sự dư thừa. Jeffrey Sr. đồng ý với một điều kiện: không sa thải nhân viên. Koo đồng ý, nhưng giống như hầu hết các vụ sáp nhập, việc kết hợp hai đơn vị khiến mọi người bực tức và hàng loạt nhân viên đã nghỉ việc.

Koo thừa nhận: “Việc sáp nhập là một thất bại. Tôi đã phụ lòng kỳ vọng.”

Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao - ảnh 4

Năm 2000, Koo tuyển dụng các chuyên gia tư vấn để giúp ông cải tổ Chailease trong ba năm, và nhận được sự ủng hộ từ các giám đốc điều hành và nhân viên.

Công cuộc cải tổ đã có hiệu quả: Theo Kevin Liao, kể từ khi Koo tiếp quản Chailease, lợi nhuận đã tăng 19 lần. Ngoài ra, Koo cũng tiếp nối nỗ lực mở rộng sang Đông Nam Á của cha mình, khởi đầu từ Thái Lan vào năm 1989.

Chailease theo các nhà sản xuất của Đài Loan vào Việt Nam năm 2006, và đến năm 2016, trở thành công ty cho thuê tài chính lớn nhất tại đây. Trong những năm gần đây, Chailease đã mạo hiểm thâm nhập thị trường Campuchia, Malaysia và Philippines. Chailease cũng có kế hoạch mở văn phòng tại Indonesia và Singapore trong năm nay.

Đông Nam Á hiện chiếm 15% tổng danh mục cho thuê tài chính của Chailease, đóng góp 4% vào lợi nhuận ròng trong năm 2019. “Họ phát triển một loại hình đặc biệt cho mảng hỗ trợ tài chính hàng không, đặc biệt là trong phân khúc hạng trung,” theo Thierry Tea, chủ tịch của PhilJets, công ty cung cấp dịch vụ thuê máy bay nguyên chuyến có trụ sở tại Manila, ký hợp đồng lần đầu với Chailease vào năm 2015.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng lớn nhất diễn ra ở Trung Quốc đại lục, chiếm 37% danh mục đầu tư của Chailease. Sau khi gia nhập thị trường này vào năm 2005, Koo muốn gọi vốn để mở rộng, nhưng vào thời điểm đó, Đài Loan cấm các khoản đầu tư vào IPO đến từ Trung Quốc đại lục.

Vì vậy, Koo đã tiến hành IPO ở Singapore và Chailease trở thành công ty Đài Loan đầu tiên niêm yết tại đây, bán ra khoảng 27% cổ phần với giá 170 triệu USD trong năm 2007.

Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao - ảnh 5

Sau khi Đài Loan dỡ bỏ các hạn chế của mình, năm 2011, Chailease đã hủy niêm yết ở Singapore và niêm yết trở lại tại Đài Loan. Hiện giờ, Chailease có 50 văn phòng bán hàng ở Trung Quốc đại lục, nhưng Koo còn muốn mở rộng hơn nữa, bất chấp thương chiến Mỹ-Trung.

Ông đặt mục tiêu tăng hơn gấp đôi số lượng văn phòng của Chailease lên tới con số 120 vào năm 2030 và tăng thị phần của Trung Quốc trong danh mục của Chailease lên đến một nửa. Ông nhắm đến thị trường ngách của Trung Quốc, gồm khoảng 40 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). “Chúng tôi làm việc với các công ty nằm giữa chuỗi cung ứng,” Koo cho biết.

Cho thuê tài chính đang phát triển nhanh ở Trung Quốc: thị trường cho thuê tài chính trị giá 254 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019 của quốc gia này đã tăng trưởng 20%, nhưng vẫn chỉ tương đương 7% tổng đầu tư theo dữ liệu trong Niên giám cho thuê tài chính thế giới năm 2020 của công ty tư vấn White Clarke ở Anh.

Cho thuê tài chính tại Trung Quốc cũng đã được lợi nhờ một quy định hạn chế được đưa ra từ năm 2016 cho những gì được gọi là hoạt động tài chính ngầm – từ việc các ngân hàng cho vay ngoại bảng đến cho vay doanh nghiệp và cho vay ngang hàng.

Mặc dù quy định hạn chế này được đưa ra nhằm làm chậm tình trạng nợ đang gia tăng ở Trung Quốc, nhưng lại gây khó khăn cho các công ty nhỏ cần gọi vốn, khiến họ tìm đến các công ty cho thuê tài chính truyền thống như Chailease.

Khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, tình trạng vi phạm nghĩa vụ trả nợ đang tăng lên, đồng thời lãi suất giảm xuống, nhưng Koo không lúng túng: nhu cầu tăng giúp họ vẫn tăng lãi suất cho vay ngay cả khi chi phí tài trợ giảm. Shih cho biết: “Chailease được định vị tốt để sở hữu năng lực thương lượng mạnh mẽ.”

Và các khoản nợ quá hạn, mặc dù tăng 4% lên 2,5 tỉ Tân Đài tệ (83 triệu đô la Mỹ), vẫn chiếm chưa đến 2% trong tổng số nợ quá hạn của Chailease tại Trung Quốc. Thật ra, tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ trả nợ của Chailease vẫn thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu. Chailease cho biết mô hình quản lý rủi ro tín dụng độc quyền của họ – sử dụng lượng dữ liệu tích lũy trong 40 năm – giúp công ty quản lý rủi ro về vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Xu hướng thiên về đa dạng hóa của Koo cũng là điều quan trọng: Chailease không chỉ đa dạng hóa về mặt địa lý, mà còn phân tán rủi ro trên các ngành khác nhau. “Không có lĩnh vực nào có thể chiếm hơn 10% danh mục đầu tư của Chailease,” theo Shirley Hsu, nhà phân tích của Fitch Ratings tại Đài Bắc.

Tỉ phú Đài Loan đưa công ty cho thuê tài chính của gia tộc lên đỉnh cao - ảnh 6
  •  ​Pamela Ambler - Ảnh: Liszt Chang/Forbes Asia -

  •