Thuế, phí tài nguyên than chiếm tới 36-40% giá thành

00:00 12/10/2020

Qua nhiều lần tăng thuế tài nguyên và các loại phí, hiện nay, thuế, phí đối tài nguyên than của nước ta cao nhất khu vực. Chẳng hạn, thuế tài nguyên tại Úc là 2-15%, trung bình với than khai thác lộ thiên là 7%, than hầm lò là 6% và không áp dụng thuế xuất khẩu than. Còn với Indonesia thì thuế tài nguyên đối với than từ 3-7% và tại Trung Quốc là từ 0-4%,...

Trong khi đó ở nước ta, từ tháng 7/2010, thuế suất thuế tài nguyên đối với than antraxit hầm lò được điều chỉnh tăng từ 2% lên 5%, than antraxit lộ thiên tăng từ 3% lên 7%. Từ đầu năm 2014, thuế suất tiếp tục điều chỉnh tăng tương ứng lên 7% và 9% và đến ngày 1/7/2016, thuế suất thuế tài nguyên một lần nữa được điều chỉnh tăng tương ứng lên 10% và 12%. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (là 2%) thì than hầm lò phải chịu mức thuế tài nguyên là 12% và than lộ thiên phải là 14%. Được biết, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên vừa qua đã làm tăng thêm khoảng 1.400 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016 mà TKV phải nộp.

Ngoài thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác, TKV còn phải nộp phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5% giá thành, đó là chưa kể chi phí thăm dò, chi phí môi trường do TKV thực hiện khoảng 4% giá thành. Riêng với than xuất khẩu, giá thành cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ nên tổng số thuế, phí trong giá thành là 26%, cộng thêm thuế xuất khẩu than 10% thì tổng số thuế phí lên tới khoảng 36-40% giá thành.

Khai_thac_ham_lo_tai_mo_mao_khe

Diện  khai thác than ngày càng sâu, chi phí khai thác một tấn than ngày lớn, trong khi thuế và phí ngày càng cao.

Được biết, thuế phải nộp tính trên 1 tấn than năm 2010 là 44.248 đồng/tấn; năm 2011: 59.880 đồng/tấn; năm 2012: 68.088 đồng/tấn; năm 2013: 70.157 đồng/tấn; năm 2014: 98.482 đồng/tấn và năm 2015 là 97.100 đồng/tấn. Như vậy, thuế phải nộp trên 1 tấn than năm 2015 cao gấp 2,2 lần so với năm 2010 và nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác thì mức tăng còn cao hơn nữa. Khi thuế suất tăng thì sản lượng than khai thác, tiêu thụ giảm và lợi nhuận của TKV giảm mạnh. Cụ thể, nếu năm 2011, lợi nhuận trước thuế của TKV là 8.632 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này sụt giảm chỉ còn 839 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 10 lần. Cùng với đó, đóng góp của TKV cho ngân sách nhà nước cũng giảm theo, tương ứng từ 16.150 tỷ đồng (năm 2011) xuống 13.838 tỷ đồng (năm 2015).

Nếu năm 2010, sản xuất ra 1 tấn than sạch có lãi 199.621 đồng thì đến năm 2015 chỉ còn 22.687 đồng.

Hệ lụy của việc tăng thuế và phí dẫn đến thu nhập của người lao động TKV chậm được cải thiện, việc tuyển dụng và giữ chân thợ mỏ ngày càng khó khăn và TKV cũng như các đơn vị thành viên không có điều kiện tích lũy để đầu tư phát triển.

Cao Minh