Thành phố Thanh Hóa: Khởi sắc từ Nông thôn mới

00:00 12/10/2020

Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang đến cho thành phố Thanh Hóa một diện mạo và sức sống mới. Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của xứ Thanh, TP Thanh Hóa hôm nay đã và đang được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều công trình hiện đại, khang trang. Ngày hôm nay, thành phố Thanh Hóa đã có nhiều những đổi thay về mọi mặt, khu vực nông thôn của thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và hướng tới đô thị xanh, thông minh.

Trụ sở  mới của Thành phố Thanh Hóa được xây dựng khang trang, hiện đại

Tại thời điểm năm 2012, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, thành phố Thanh Hóa gặp muôn vàn những khó khăn. Trong giai đoạn đầu, một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm xây dựng NTM chưa đầy đủ, vẫn có tư tưởng ngại khó, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Việc tiếp nhận và triển khai nối tiếp Chương trình xây dựng NTM đối với 17 xã mới sáp nhập phải thay đổi lại toàn bộ các tiêu chí để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị của thành phố hiện tại và trong tương lai. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM đôi lúc còn hạn chế và chưa kịp thời, trong khi nội lực kinh tế ở các địa phương còn yếu, việc thu hút đầu tư vào khu nông thôn tương đối khó khăn. Trong đó, phải kể đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ở các xã còn thấp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh của địa phương chưa được chú trọng; khoảng cách thu nhập giữa khu vực ngoại thành và nội thành có sự chênh lệch đáng kể; công tác đào tạo và phát triển nghề còn không ít những khó khăn, bất cập. Không những vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở nhiều địa phương thiếu đồng bộ, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của TP Thanh Hóa chỉ đạt 21,8 triệu đồng/người/năm,…

Vượt qua những khó khăn, nhận thức được vai trò ý nghĩa to lớn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ những ngày đầu thực hiện, thành phố Thanh Hóa đã phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục phát huy nội lực, huy động đầu tư hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã NTM, xây dựng điểm các thôn kiểu mẫu đồng thời nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, mô hình phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp qui mô hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho lao động ngoại thành.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ tháng 7/2012 đến nay, kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau và đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống đường giao thông, cây xanh lát vỉa hè, kênh mương, đường giao thông nội đồng trên địa bàn thành phố,ất cả các xã đã rà soát đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng được 51,26 km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí 97,38 tỷ đồng cho 17 xã trên địa bàn. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã cơ bản đã được kiên cố hóa đảm bảo theo tiêu chí NTM.

 

Hình ảnh 8 con chim Hạc vươn cánh bay lên bầu trời cao rộng là biểu tượng đẹp và ý nghĩa của thành phố Thanh Hóa

Chất lượng giáo dục thành phố luôn nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh, trong đó cơ sở vật chất trường học là một trong những địa phương có cơ sở vật chất trường học các cấp đồng bộ và khang trang, hiện đại. Giai đoạn 2012- 2019 thực hiện chỉ đạo trong xây dựng NTM thành phố đã chủ động chỉ đạo các xã và các trường học tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia cho 91 công trình, với tổng mức đầu tư 554,623 tỷ đồng. Đến nay toàn thành phố có 103/147 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% các trường đạt chuẩn quốc gia.

Trong giai đoạn 2012-2019, trên địa bàn 17 xã đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý được 05 chợ giao cho các tổ chức, doanh nghiệp quản lý khai thác. Sau khi các chợ được giao cho doanh nghiệp quản lý đã tiến hành đầu tư xây dựng lại cơ sở vật chất đảm bảo cho việc quản lý, kinh doanh của chợ; một số chợ đã được đầu tư xây dựng và chứng nhận chợ hợp quy chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia. UBND thành phố tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các chợ mới theo quy hoạch được duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố đến các xã xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Trên địa bàn thành phố nói chung, các xã xây dựng NTM nói riêng đã khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn với nhu cầu thị trường;thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 95 triệu đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2012 (mục tiêu đến năm 2020 đạt 115 triệu đồng), trong đó khu vực nông thôn tại 17 xã xây dựng NTM đạt 43,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn thành phố giảm từ 5,3% (4.211 hộ) năm 2012 xuống còn 0,9% (900 hộ) vàogiữa năm 2019 (trong đó hộ nghèo NTM của 17 xã là 188/31.994 hộ, chiếm tỷ lệ 0,585%, đã trừ số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội).

Xác định việc tái cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, thành phố đã tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong nông thôn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành nông, lâm, thủy sản hàng năm thời kỳ 2012-2019 đạt 2,1%; sản lượng lương thực có hạt giai đoạn 2012-2019 ước đạt 459,7 nghìn tấn.

Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm đẩy mạnh. Trên địa bàn thành phố hiện có 94 di tích lịch sử văn hóa (21 di tích cấp quốc gia; 73 di tích cấp tỉnh). trong đó, có 13/17 xã có di tích, với 41 di tích, trong đó có (06 di tích cấp quốc gia và 35 di tích cấp tỉnh). Thành phố đã ban hành và triển khai Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn thành phố Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020”. Thời gian qua, Thành phố đã trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp 27 di tích với tổng kinh phí 96,386 tỷ đồng.

Môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, bởi tính “động”, tính bền vững không cao trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nhận thức được tầm quan trọng, từ thành phố đến cơ sở đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tăng cường chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của người dân về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm, khu dân cư được các xã quan tâm thực hiện.

Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn thành phố đã thay đổi nhanh chóng, toàn diện, tạo tiền đề cho khu vực nông nghiệp nông thôn ở thành phố Thanh Hóa phát triển về mọi mặt, rút gắn khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, thành phố đã có 17/17 xã đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành NTM sớm trước 01 năm so với mục tiêu đề ra. Người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ động, tích cực tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, vừa làm giàu cho bản thân vừa đóng góp xây dựng phát triển kinh tế địa phương. NTM không chỉ làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn, mà còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, những chuyển biến tiến bộ về văn hóa – xã hội của thành phố Thanh Hóa.

Quang Thắng – Minh Hiền