Ludwig Merckle Ludwig Merckle gây dựng đế chế gia đình từ khủng hoảng

00:00 12/10/2020

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều đại gia đã phải ngã ngựa bất chấp lịch sử tồn tại lâu đời. Tập đoàn Merckle cũng là một trong số đó. Song, nhờ sự chèo lái tài tình của người thừa kế Ludwig Merckle mà Merckle Group đã thoát ra được khỏi khủng hoảng. Qua câu chuyện về gia đình Merckle, ta có thể rút ra được kinh nghiệm to lớn về quản trị doanh nghiệp cũng như bài học về sự hứng chịu áp lực mà bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải.

Ludwig Merckle

Ludwig Merckle sinh năm 1952 và là CEO của Merckle Service GmbH – công ty Đức hiện đứng đầu châu Âu trong cung cấp dịch vụ marketing, nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm y dược. Ông là người đã vực dậy đế chế của gia đình sau khi người cha của mình, Adolf Merckle đã tự tử vì suýt khiến tập đoàn phá sản vào năm 2009. Ludwig Merckle cũng đồng thời sở hữu Phoenix, công ty phân phối dược phẩm hàng đầu châu Âu. Năm 2011, ông được đề cử giải thưởng “Doanh nhân của năm” khi đã thành công trong việc giải cứu công ty của cha mình khỏi phá sản. Hiện tại, Ludwig Merckle đang là người giàu thứ 13 ở Đức.

Trước tiên, cần phải kể đến Adolf Merckle, cha của Ludwig và từng là một trong những doanh nhân thành công nhất nước Đức. Adolf Merckle sinh năm 1934 trong một gia đình gốc Bohemia, nay thuộc Cộng hòa Séc. Sau khi bị trục xuất khỏi Séc vì là người Đức sau thế thế chiến thứ 2, gia đình Merckle đã xây dựng lại cơ sở buôn bán hóa chất của mình tại thành phố Blaubeuren, gần thành phố công nghiệp Ulm cạnh dãy núi Apls. Adolf Merckle đã từng bước chứng minh thực lực của mình bằng cách nâng tầm việc kinh doanh của gia đình từ buôn bán hóa chất sang kinh doanh dược phẩm khi thành lập công ty Ratiopharm vào năm 1973. Ratiopharm là công ty đầu tiên tại Đức chuyên sản xuất các dược phẩm generic (nhóm thuốc giá rẻ do phí bản quyền đã hết hạn, nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng như thuốc “brand name” khác). Đến năm 2007, với 750 đầu thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau paracetamol, đã giúp Ratiopharm tăng trưởng vượt bậc, đạt 1,7 tỷ Euro hay 2,3 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành và xếp hạng nhất trong các công ty dược phẩm tại Đức. Phoenix Pharmahandel, một cái tên lớn khác thuộc đế chế Merckle, cũng đã đạt doanh số bán dược phẩm lên đến 21,6 tỷ Euro trong năm tài chính 2008. Tính đến 2008, tổng tài sản của Adolf Merckle ước tính đạt 9,2 tỷ USD, đưa ông lên vị trí người giàu thứ 5 của Đức và đứng thứ 94 trong danh sách top 400 người giàu nhất thế giới của Forbes.

Adolf Merckle

Adolf Merckle

Theo đà thành công của lĩnh vực trọng tâm là dược phẩm, Adolf Merckle đã trải rộng đầu tư của mình sang các lĩnh vực khác như kinh doanh đồ da, bất động sản nghỉ dưỡng, và đặc biệt là sản xuất xi măng với công ty Spohn Cement. Ba năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Adolf Merckle đã mạo hiểm phá vỡ truyền thống kinh doanh của các doanh nghiệp gia đình Đức khi mạo hiểm sử dụng đòn bẩy tài chính, vốn nằm ngoài lĩnh vực am hiểu của bản thân. Số vốn vay này được Spohn Cement dùng để mua quyền tiếp quản HeidelbergCement với giá 6,5 tỷ Euro và sử dụng luôn số cổ phần này để thế chấp khoản vay. Vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào tháng 8/2007, HeidelbergCement đã dùng 15,8 tỷ USD vay từ Deutsche Bank and the Royal Bank of Scotland để mua lại đối thủ Hanson đến từ Anh quốc, và trở thành công ty hàng đầu thế giới trong ngành cung cấp vật liệu xây dựng. Tiếp đó, thông qua VEM Vermögensverwaltung, một công cụ tài chính khác của mình, Merckle đã mua số cổ phiếu chào bán trị giá hơn 500 triệu Euro và đưa tỷ lệ cổ phần của mình tại HeidelbergCement lên gần 90%.

Khi thị trường tài chính thế giới lâm vào khủng hoảng, cổ phiếu của HeidelbergCement đã mất hơn nửa giá trị, từ 73,97 Euro xuống 34,05 Euro/một cổ phiếu. Đến tháng 10/2007, tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor đã hạ mức tín nhiệm đầu tư của HeidelbergCement, khiến các khoản lãi phải trả của công ty tăng lên, đặc biệt là khoản vay để mua lại Hanson. Chính những ngân hàng đã đẩy Adolf Merckle đến những hành động mù quáng. Nhằm có tiền trang trải những khoản nợ đến hạn, Adolf Merckle đã có một hành động mà đến nay chưa ai có thể giải thích được, đó là đánh cược vào việc giá của cổ phiếu Volkswagen (VW) sẽ giảm. Adolf Merckle cùng nhiều quỹ đầu cơ khác đã lâm vào cái bẫy mà Porsche giăng sẵn khi công ty này bí mật tìm cách thâu tóm quyền kiểm soát tập đoàn Volkswagen. Ngày 16/9/2008, với 35,14% số cổ phiếu của VW, Porsche đã giành được quyền quản lý VW trên thực tế. Ngày 26/10/2008, Porsche tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ cổ phần ở VW lên tới 74%. Lực cầu mãnh liệt của thị trường khiến giá cổ phiếu của VW cứ thế mà leo thang vùn vụt. Ngày 28/10/2008, giá này vượt quá mốc 1.000 Euro/1 cổ phiếu chỉ sau 2 phiên từ mức chỉ 210 Euro/ 1 cổ phiếu. Ngày 29/10/2008, Porsche tuyên bố bán ra cổ phiếu của VW khiến giá cổ phiếu này bắt đầu giảm, nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức giá mà Porsche đã trả để mua cổ phiếu của VW. Chiến lược đầu cơ này đã giúp Porsche thâu tóm được hãng VW lớn gấp 15 lần chính Porsche. Rất tiếc, Adolf Merckle và các nhà đầu cơ giá giảm khác đã phải hốt hoảng mua lại cổ phiếu VW để trả lại cho các nhà cho vay – đôi khi là các cổ phiếu do chính Porche cho vay - và điều này đã khiến ông lỗ 400 triệu Euro.

Tài sản của Adolf Merckle đạt 12,8 tỷ USD (theo ước tính của Forbe) vào năm 2007, song đến tháng 5/2008 đã giảm 3,6 tỷ USD còn 9,2 tỷ USD. Trước tình thế phải bán đi Ratiopharm – niềm tự hào của gia đình và là số phận của hơn 100.000 nhân công – và cổ phần tại HeidelbergCement để trả nợ cho các ngân hàng đã cấp vốn cho VEM Vermögensverwaltung, cộng thêm việc không nhận được sự trợ giúp của chính phủ và chính quyền bang Baden-Württemberg – nơi đặt trụ sở lâu đời và luôn nhận được những đóng góp đáng kể từ gia đình cho địa phương, Adolf Merckle đã tự tử vào ngày 5/1/2009 sau khi mất quyền kiểm soát công ty mà gia đình ông đã gây dựng trong hơn 100 năm. Tuy nhiên con trai ông, Ludwig Merckle đã giành được quyền thừa kế đế chế kinh doanh Merckle Group và từng bước thực hiện những bước cải tổ để gây dựng lại công ty từ những khoản nợ nần của người cha.

Ludwig Merckle tốt nghiệp đại học Mannheim chuyên ngành Kinh doanh Công nghệ Thông tin. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là nhà tư vấn chiến lược tại Roland Berger vào năm 1993. Ông gia nhập công việc kinh doanh gia đình với tư cách là trợ lý quản lý vào năm 1995 sau này trở thành Giám đốc điều hành của Merckle GmbH. Để cứu HeidelbergCement, ông đã thực hiện một loạt thay đổi, như bán Ratiopharm cho Teva Pharmaceuticals với giá 5 tỷ USD; thay mặt Merckle Group đệ đơn kiện chống lại Porsche và cung cấp vốn cho Phoenix Group. Ông tin rằng những thay đổi này sẽ là nỗ lực đúng đắn để bảo vệ thành quả của cha ông. Ludwig Merckle hiện là đồng chủ sở hữu và là thành viên hội đồng tư vấn của Phoenix Group và HSBC Trinkaus & Burkhardt. Phoenix Group hiện đang hoạt động tại hơn 1.580 hiệu thuốc bán lẻ và ở 12 quốc gia trên toàn cầu dưới thương hiệu BENU. Ludwig Merckle cũng là chủ sở hữu của công ty sản xuất tuyết “Kaessbohrer”. Ông là Ủy viên Ủy ban Nhân sự tại Heidelberger Druckmaschinen AG và là Giám đốc của Mepha AG. Mặc dù trải qua bao sóng gió, nhưng đến nay, gia tộc Merckle đã dần phục dựng lại được tài sản, song sự ra đi của Adolf Merckle vẫn là mất mát to lớn không thể lấy lại được.

Minh Trí