Không ngại đầu tư cho công nghệ, tại sao chuyển đổi số ở DNNVV vẫn bế tắc?

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã đầu tư cho công nghệ nhưng chưa phù hợp với khả năng và mục tiêu của mình.

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của ADB, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng nửa triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp gần 50% GDP.

Khảo sát ASEAN SMEs Transformation của công ty kiểm toán EY cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới hơn 90% nền kinh tế Việt Nam và sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động.

EY đã khảo sát 1.235 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp khu vực ASEAN-6 bao gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam về cách thức định vị bản thân doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khu vực đang phát triển. 

Cũng theo khảo sát, khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi muốn đầu tư vào các giải pháp công nghệ để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. 78% các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN được khảo sát cho biết họ rất muốn đầu tư vào phần mềm và dịch vụ, trong khi chỉ có 65% ưu tiên đầu tư vào phần cứng và cơ sở hạ tầng. 

Không ngại đầu tư cho công nghệ, tại sao chuyển đổi số ở SMEs  vẫn bế tắc? - Ảnh 1.
 

Báo cáo Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Cisco cho thấy: các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),…

Ông Lawrence Loh, giám đốc kinh doanh ngân hàng UOB nhận xét: "Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không tối ưu hóa được các khoản mà họ đã chi cho công nghệ".

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng ít biết đến các khả năng của Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) và vẫn ưa thích các ứng dụng thông thường tại chỗ. SaaS là các chương trình đám mây mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể truy cập từ máy chủ từ xa thay vì cài đặt trực tiếp trên máy tính. Các chương trình như vậy thường được sử dụng cho mục đích quản lý nguồn nhân lực, biên chế và quản lý duy trì khách hàng.

Dù vậy báo cáo cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

Báo cáo cho rằng, trên thực tế, để tối ưu hóa hoàn toàn chi tiêu công nghệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải cân đối các khoản đầu tư cho công nghệ với khả năng và mục tiêu của doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp chỉ nên chi cho các phần mềm phân tích dữ liệu và truyền thông xã hội để hỗ trợ tiếp thị nếu họ có ý định quảng cáo rất nhiều. Và họ cũng cần phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật có khả năng vận hành được công nghệ mà họ đã đầu tư. Nếu không thì khoản đầu tư của họ sẽ chỉ đổi lại một mớ sắt vụn.

Để giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên tục đánh giá mức độ phát triển của họ trên các khía cạnh kinh doanh, ưu tiên những sáng kiến chủ chốt để thu hẹp khoảng cách phát chuyển đổi số với doanh nghiệp lớn.

Tiếp theo là cần xác định các nhân tố kỹ thuật số hàng đầu trong doanh nghiệp và sớm đưa vào quy trình chuyển đổi. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tận dụng những nhân tố này làm chất xúc tác cho văn hóa thay đổi bằng cách khuyến khích hợp tác, chia sẻ các câu chuyện thành công và chấp nhận những rủi ro được tính toán trước.

Cuối cùng là tìm kiếm một đối tác tin cậy. Các doanh nghiệp nên tìm kiếm một đối tác công nghệ giàu kinh nghiệm, mang đến dịch vụ tư vấn và quản lý dự án bên cạnh các hiểu biết về công nghệ.

Thái Trang