Không nên siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm này

00:00 12/10/2020

Không nên có quan điểm siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM. Ảnh: Dantri.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 có hiệu lực ngày 01/02/2019 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Hiệp hội nhận thấy sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.

Trong quá trình xem xét, sửa đổi một số Điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP, đề nghị cần quan tâm đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, như sau:

Thứ nhất, thị trường vốn của nước ta chưa phát triển đầy đủ, chưa có các nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản. So sánh với các nước khác, ngoài kênh dẫn vốn là thị trường chứng khoán, còn có các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), kể cả sử dụng nguồn vốn đầu tư từ quỹ hưu trí…

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Thứ ba, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở bị vướng mắc nên bị mất rất nhiều thời gian, dẫn đến doanh nghiệp bị đọng vốn trong nhiều năm (hầu hết dự án mất không dưới 05 năm mới được huy động vốn). Trong đó, có các chi phí chính, sau đây: (i) Chi phí giải phóng mặt bằng; (ii) Phải ký quỹ từ 1-3% vốn đầu tư dự án; (iii) Phải nộp tiền sử dụng đất trước khi được thi công; (iv) Chi phí thi công các công trình của dự án mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn; (v) Chi phí tài chính, chi phí lãi vay tăng lên theo thời gian dự án bị kéo dài; (vi) Chi phí quản lý doanh nghiệp; Chi phí cơ hội…

Thứ tư, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, bị sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung nhà ở, giá nhà đất tăng, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của các tầng lớp dân cư, nhất là đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Thị trường lại càng thêm khó khăn do tác động của dịch cúm CoVid19.

Do đó, khi xem xét sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP chỉ mới sau 01 năm thực hiện, Hiệp hội đề nghị không nên có quan điểm siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật nhằm: (i) Tăng cường tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu; (ii) Thẩm định, đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; (iii) Trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; (iv) Tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu.

Kim Anh