Giấc mơ AI của người Trung Quốc

00:00 12/10/2020

Đầu năm 2018 trong video chúc mừng năm mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người ta phát hiện ra trên kệ sách của nhà lãnh đạo có hai cuốn sách về trí tuệ nhân tạo (AI). Đó là “The Master Algorithm (Thuật toán thống trị)” của Pedro Domingos và “Augmented: Life in the Smart Lane” của Brett King hai cuốn sách tiêu biểu về máy học (machine learning) và kỷ nguyên của AI. Đây chỉ là một dấu hiệu tái khẳng định quyết tâm của người Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

Trung Quốc từng tuyên bố sẽ dẫn đầu thế giới về công nghệ AI, và làm cho ngành công nghiệp này trong nước đạt trị giá 150 tỷ USD vào năm 2030. Đến nay, người Trung Quốc đang dần chứng minh tuyên bố của mình không phải là một chiêu thức đánh bóng hình ảnh quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Định hướng mạnh mẽ từ chính sách

Theo một thông báo từ Nhà Trắng, Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF – Quỹ Khoa học Quốc gia) cắt giảm 776 triệu đô la cho nghiên cứu AI trong năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc quyết tâm “tận dụng tối đa nguồn vốn chính phủ và xã hội” để thống trị ngành công nghiệp được đánh giá đầy tiềm năng. Ngay trong “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới” được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hôm 20/7/2017, nói rõ: “Trung Quốc phải đưa việc phát triển AI lên mức chiến lược quốc gia… giành thế chủ động trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về AI, tạo ra lợi thế cạnh tranh và bảo vệ an ninh quốc gia một cách hiệu quả”.

Theo NY Times, Bộ Tài chính Trung Quốc có kế hoạch đưa 1 tỷ USD vào các dự án liên quan đến AI trong năm nay. Sự hỗ trợ bao gồm tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước để phát triển dây chuyền sản xuất dầu tự động, thiết kế các nhà máy số hóa và chế tạo các chip nhanh hơn để thu thập thêm dữ liệu. Trong năm 2017, Tân Hoa Xã từng đưa tin Trung Quốc đang xây dựng một khu nghiên cứu khổng lồ trị giá 2,1 tỷ USD dành cho việc phát triển AI. Khu công viên công nghệ sẽ có khoảng 400 doanh nghiệp và dự kiến sẽ tạo ra một giá trị sản lượng hàng năm khoảng 50 tỷ nhân dân tệ. “Trung Quốc đầu tư tiền tỉ trong khi Mỹ lại chỉ dừng ở hàng triệu” – nhà nghiên cứu James nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ so sánh.

Thành phố Tương Đàm, thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, đã cam kết 2 tỷ USD để phát triển robot và trí thông minh nhân tạo. Những nơi khác có ưu đãi trực tiếp cho AI. Trong khi đặc khu Thâm Quyến đang cung cấp 1 triệu đô la để hỗ trợ bất kỳ dự án AI nào thành lập ở đó.

Ngoài việc có chính sách tổng thể từ Chính phủ tới địa phương, Trung Quốc hiện cũng đang đẩy mạnh thu hút các nhân tài trong lĩnh vực này, đặc biệt là lực lượng hai-gui (rùa biển) – những người Trung Quốc trở về cống hiến cho đất nước sau khi đi du học. Một trong những “rùa biển” tiêu biểu là ông Qi Lu (Kỳ Lục), từng là “cánh tay mặt” của CEO Microsoft Satya Nadella. Sau khi về Baidu đảm nhiệm chức Chủ tịch và COO, Qui Lu hợp tác cùng Giám đốc Công nghệ Andrew Ng – nhà sáng lập Google Brain. Dưới thời Andrew Ng và Qi Lu, đội ngũ AI của Baidu đã tăng lên 1.300 nhân sự vào năm 2017 và dự kiến vẫn sẽ ra tăng. Theo cuộc khảo sát do Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa phối hợp mạng tuyển dụng Zhaopin tiến hành với 1.821 người năm 2017, lĩnh vực hút “rùa biển” nhất là công nghệ, chiếm tới 15,5% tổng người trở về.

 Động lực từ cây "đinh ba" công nghệ

Những cải cách đã đem lại những chuyển biến rõ rệt. Theo ông Lưu Lệ Hoa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Trung Quốc đã áp dụng 15,745 bằng sáng chế AI, đứng thứ 2 toàn cầu. Công ty phân tích dữ liệu Elsevier cũng ghi nhận trong năm 2016, số tài liệu nghiên cứu AI của Trung Quốc đã tăng thêm 20% so với năm 2015, trong khi EU và Mỹ có sự sụt giảm. Theo trang tin Financial Times, trong năm 2017, Trung Quốc đã xuất bản 4,724 công trình nghiên cứu về AI trong khi EU chỉ có 3,932.

Trung Quốc đang ngày càng đầu tư tiền vào lĩnh vực này theo cách thông minh hơn. Giám đốc Trung tâm cải tiến AI của ĐH Bắc Kinh, ông Ming Lei cho biết với một bài phỏng vấn của NY Times: “Trước đây chính phủ chỉ chi tiền vào các dự các nghiên cứu quốc gia hoặc cho các trường đại học lớn. Nhưng giờ đây xu hướng đầu tư nghiêng về một số công ty tư nhân bởi nhóm này có tính linh hoạt và khả năng áp dụng công nghệ ngay vào đời sống”. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chọn các công ty Baidu, Alibaba, Tencent và iFlyTek trở thành “gương mặt đại diện” của đội nghiên cứu AI cấp quốc gia. Ba công ty công nghệ cao là Baidu, Alibaba và Tencent đều đang tham gia vào cuộc cách mạng AI, tập trung vào nhận diện gương mặt – giọng nói, y tế, dự đoán xu hướng, máy học (machine learning).

Ba công nghệ nổi bật của cuộc cách mạng AI Trung Quốc

Dữ liệu lớn

Tại Trung Quốc, dữ liệu của người tiêu dùng thường được thu thập trên hệ sinh thái dữ liệu của 3 ông lớn công nghệ: Baidu, Alibaba và Tencent. Nếu như Baidu là một công cụ tìm kiếm phổ biến bậc nhất tại Trung Quốc. Thì Alibaba, với các trang thương mại điện tử, có dữ liệu về tài chính, phương thức tiêu dùng, địa chỉ khách hàng… Còn Tencent sở hữu 2 mạng xã hội (Wechat, Weibo) với hớn 800 triệu tài khoản cùng nhiều trò chơi điện tử (League of Legends, Honor of Kings …)

Nguồn dữ liệu lớn được xem là “nhựa sống” của các ứng dụng AI. Minh chứng rõ rệt về sức mạnh AI của Trung Quốc có thể kể tới như: chiến thắng chương trình AI của Tencent, Fine Art đánh bại kỳ thủ cờ vây Kha Khiết – hiện đang đứng hạng hai thế giới, hay mô hình trí tuệ nhân tạo do Alibaba phát triển đủ khả năng đánh bại con người trong một bài kiểm tra đọc hiểu của trường đại học Stanford,… Công nghệ máy học (Machine Learning) cho AI cần lượng dữ liệu người dùng khổng lồ và Trung Quốc có thế mạnh vượt trội về yếu tố này.

Y tế

Y tế là một lĩnh vực đời sống quan trọng, và Trung Quốc đang có những thành tựu đáng nể. Quỹ đầu tư cá nhân Yunfeng của nhà sáng lập Alibaba – Jack Ma đã đầu tư vào start-up Yitu, phát triển phần mềm tự động xác định giai đoạn sớm của bệnh ung thư phổi. Phát triển từ công nghệ nhận diện khuôn mặt, Yitu tiến sâu vào công nghệ nhận diện các hình ảnh phức, như quét tế bào ung thư. Hiện phần mềm đang được ứng dụng tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang. Công nghệ này cho phép cắt giảm chi phí nhân lực trong quá trình điều trị ung thư của các bệnh nhân. Mới đây, Baidu cũng công bố một công nghệ học sâu (Deep Learning), có thể phát hiện ung thư chính xác hơn cả chuyên gia y tế.

Tờ Venturebeat dẫn lời hai nhà nghiên cứu Yi Li và Wei Ping đến từ phòng thí nghiệm AI Silicon Valley của Baidu vừa phát triển thành công một thuật toán mới có tên NCRF, hỗ trợ cải thiện phân tích hình ảnh sinh thiết khối u (thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ một phần cơ thể và quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào bất thường). Hiện nay, bộ dữ liệu đạo tạo AI của Baidu hiện chủ yếu liên quan đến ung thư vú nhưng thuật toán hoàn toàn có thể phỏng đoán các loại ung thư khác.

Nhận diện hình ảnh - giọng nói

Không chỉ Google hay Apple đang đạt thành tựu nổi bật, công nghệ nhận diện hình ảnh và giọng nói của các hãng công nghệ Trung Quốc cũng đạt độ chính xác đáng gớm. Tập đoàn Baidu cho biết công nghệ nhận dạng khuôn mặt của họ có độ chính xác lên đến 99,77%, có khả năng phân biệt người tốt hơn con mắt của người và đã triển khai vào đầu năm 2018 tại sân bay Bắc Kinh. Công nghệ này của Baidu lần đầu tiên được triển khai vào năm 2016, để xác minh danh tính thay vì vé khách du lịch tại thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở Ô Trấn, một thị trấn ở tỉnh Chiết Giang. Trong công nghệ nhân diện giọng nói, với bộ óc vĩ đại của Andrew Ng, Baidu cũng đã nghiên cứu thành công 2 phần Deep Speech và Deep Voice, công nghệ nhận diện giọng nói của Baidu hoạt động tốt hơn những gì mà công nghệ hiện nay có thể làm được trong môi trường bị nhiễu tiếng ồn. Theo trang tin Forbes, Deep Speech còn vượt trội hơn so với các hệ thống Google Speech API, Microsoft’s Bing Speech, và Apple Dictation về tỉ lệ tránh bị lỗi từ trong môi trường nhiễu âm thanh. Trong năm 2018, Deep Voice cũng được Baidu công bố, phần mềm này cho phép chỉ với một đoạn ghi âm dài 3,7 giây, một thuật toán AI sẽ nhận diện, sao chép mẫu và giả giọng người nói một cách rất chân thực.

Tới tháng 3/2018 vừa qua, Đại học Oxford (Anh) công bố một báo cáo có tiêu đề “Deciphering China’s AI Dream” (Giải mã giấc mơ AI của Trung Quốc), tác giả – tiến sĩ Jeffry Ding đã đánh giá 4 chỉ tiêu cơ bản của một nền công nghệ AI, theo đó:

Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn một báo cáo ngày 01/12 của Viện nghiên cứu Tencent (TRI, Trung Quốc) cho biết, một phần ba nhân lực AI hiện có đang có mặt tại 367 trường đại học trên khắp thế giới. Trong đó, Mỹ chiếm 46% tổng số trường, còn Trung Quốc mới chỉ có 20 trường. Hiện tại, Mỹ vẫn dẫn đầu về nghiên cứu AI, tại nước này số công ty nghiên cứu AI chiếm tới 41% trong khi con số này của Trung Quốc là 22,6%.

Dù cho năng lực tổng thể công nghệ AI Trung Quốc chưa đạt được kỳ vọng của chính phủ. Tuy nhiên, mục tiêu tự chủ được công nghệ và phát triển ngành công nghiệp này tốt trong nội địa, đang được 3 gã khổng lồ công nghệ Baidu, Alibaba và Tencent cùng cộng động nghiên cứu của nước này làm rất tốt.

PV