“Định vị” thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ

00:00 12/10/2020

Phát huy quyền sở hữu trí tuệ là một trong những giải pháp cốt lõi, giúp bảo hộ thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên lộ trình xây dựng tương lai xanh, vì mục tiêu phát triển bền vững. Hướng đi này đã và đang được Thủ đô Hà Nội khai thác hiệu quả, trên cơ sở triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông sản, sản phẩm làng nghề, với sự tham gia ngày càng tích cực của các cá nhân, cộng đồng sở hữu.

Tính chính danh cho sản phẩm

Không chỉ được mệnh danh là đất trăm nghề với đa dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Thủ đô Hà Nội còn nổi tiếng với nhiều sản vật đặc sắc, được khắp nơi ưa chuộng. Những sản phẩm này đã hình thành nên chuỗi đặc sản địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế cũng như hỗ trợ đáng kể cho việc định vị thương hiệu, quảng bá vùng đất, con người.

Với lợi thế này, trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai các chương trình, dự án phù hợp, phát huy quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường. Từ đó có thể giảm thiểu ảnh hưởng bởi khủng hoảng biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai xanh, tạo ra cho người tiêu dùng các sản phẩm hữu ích, hấp dẫn và thân thiện với môi trường.

Có thể kể đến Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2020, trong đó có nội dung “Hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội”. Sau hơn 6 năm triển khai, đã hỗ trợ 22 dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm đặc sản địa phương mang địa danh của Hà Nội:

Sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái (Thường Tín), mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ), rau hữu cơ (Sóc Sơn), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai), khoai lang Đồng Thái (Ba Vì)...; kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2019-2020, tổ chức 20 lớp tập huấn pháp luật về sở hữu trí tuệ cho cán bộ chuyên trách của các quận, huyện, thị xã, người sản xuất và kinh doanh đặc sản làng nghề; xây dựng phim phóng sự, quảng bá và giới thiệu giá trị tài sản trí tuệ làng nghề và sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội, dù triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, song đã nhanh chóng mang lại những kết quả đáng ghi nhận, nhờ tích cực áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, như: Khuyến khích áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng và tiếp cận, cập nhật thông tin về thị trường...

“Chắp cánh“ cho nông sản, sản phẩm làng nghề

Thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Thủ đô sở hữu số lượng làng nghề áp đảo, với 45% tổng số làng nghề truyền thống của cả nước. Phát huy hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, có thị trường tiêu thụ rộng khắp, Hà Nội tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; đồng thời, hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất.

Với mặt hàng nông sản, Hà Nội ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, ưu tiên cho nông sản có tiềm năng, căn cứ theo thế mạnh của từng vùng miền, địa phương. Từ đây, những sản phẩm, như: Măng tây Phú Xuyên; bưởi chua đầu tôm Quốc Oai; bưởi đỏ Mê Linh; bưởi tôm vàng Đan Phượng; cam Canh Thanh Oai; chuối tiêu hồng Ba Vì; gà đồi Chương Mỹ… đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng việc gắn thương hiệu, góp phần nâng tầm giá trị thương phẩm.

Hà Nội hiện có 305/1.350 làng nghề được công nhận, 40 nhãn hiệu nông sản được tạo dựng và phát triển, trong đó có nhiều sản phẩm đã vươn ra thế giới, tạo được tiếng vang với cả những thị trường khó tính, như: Mỹ, Ba Lan, Australia... Hội nhập kinh tế sâu rộng đã và đang cho thấy vai trò quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong “định vị” thương hiệu, góp phần minh bạch thông tin, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các cá nhân, cộng đồng sở hữu sáng tạo.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, “chắp cánh” cho nông sản, sản phẩm làng nghề bay xa. Để việc xây dựng thương hiệu bền từ gốc, công tác tuyên truyền, định hướng về đổi mới sáng tạo, xây dựng sản phẩm chất lượng gắn với nguyên vật liệu thân thiện môi trường, quy trình sản xuất an toàn... sẽ được chú trọng, thông qua Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm bảo vệ môi trường cảnh quan, sức khỏe cộng đồng trên lộ trình hướng đến một tương lai xanh, phát triển bền vững.

Nguyễn Thanh