Đà Nẵng: Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I, năm 2018

00:00 12/10/2020

Trong hai ngày 28, 29/11, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I, năm 2018 (The 1st Vietnamese Young Intellectual Forum - VYI Forum 2018) với chủ đề “Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I, năm 2018

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ  I - 2018  với sự tham dự của hơn 200 trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc từ 21 quốc gia, thuộc 52 chuyên ngành. Trong đó, có 27% đại biểu là Tiến sĩ, sau Tiến sĩ, Phó Giáo sư; 35% đại biểu là Thạc sỹ, 33% là Cử nhân, Kỹ sư, Bác sỹ và 5% là các sinh viên năm cuối có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn, đều gửi các ý kiến đóng góp về cho Ban Tổ chức Diễn đàn nhằm thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước; đồng thời đề xuất các cơ chế thu hút, phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn đây sẽ là diễn đàn thường niên để các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong nước có thể đưa ra các đề xuất, sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Chính phủ trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Đồng thời cũng là kênh tham vấn để Chính phủ và các lực lượng trong nước đặt hàng hiệu quả đội ngũ trí thức hoặc tham vấn các trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cũng như những khó khăn, thách thức của đất nước.

Buổi lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I – 2018 được diễn ra sáng ngày 28/11 với sự tham dự của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực nước CHXHCN Việt Nam, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngànhTrung ương và địa phương.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng hoa cho các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu về tham dự Diễn đàn lần thứ nhất

 Phát biểu tại buổi lễ  khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I – 2018, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực nước CHXHCN Việt Nam cho biết:“Tôi rất hoan nghênh sáng kiến của TƯ Đoàn trong việc tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây thực sự là kênh kết nối và là diễn đàn để trí thức trẻ thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của mình trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu".

 Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 1- 2018 diễn ra tại Đà Nẵng, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận xoay quanh 3 chủ đề chính bao gồm: Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng 4.0; Ứng dụng Công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Tại Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 1 – 2018, với chủ đề :  “Ứng dụng Công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”  là một chủ đề “nóng” hiện nay với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và ở nhiều quốc gia khác, với nhiều tham luận và tranh luận sôi nổi.

 Theo Tiến sỹ Nguyễn Tuệ Anh ( Anh quốc) : Biến đổi khí hậu như chúng ta biết ngày nay là gia tăng đột ngột về nhiệt độ của trái đất và 97% các nhà khoa học đã thống nhất rằng hiện tượng này không phải là do các biến thể của quỹ đạo trái đất gây ra mà do các hoạt động của con người gây ra. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, chúng ta cùng với hơn 170 quốc gia đã ký kết Thỏa thuận Paris, cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 2 độ C.

Tiến sỹ Đỗ Cao Sơn với bài tham luận  “Cơ hội và thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Việt Nam”.

Vào tháng 10 năm 2018, Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí hậu ( IPPC) đã đưa ra một báo cáo về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên trái đất, chỉ ra sự khác biệt giữa ngưỡng tăng nhiệt độ 1.5 độ và 2 độ mà con người ở nhiều nơi, trong đó có nhiều tỉnh ở Việt Nam đang phải hứng chịu như mực nước biển dâng cao, nhiệt độ nóng hơn, lượng mưa cực lớn và hạn hán, tăng tính axit trong nước biển và tỷ lệ tuyệt chủng của nhiều giống loài. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ ra rằng chúng ta chỉ còn 12 năm hành động và thay đổi.

Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm carbon, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời; song song với những chiến lược bảo tồn, việc thay thế việc sử dụng nhựa, nilon trong sinh hoạt và sản xuất, đang là những thách thức lớn hôm nay, đòi hỏi: các chính phủ, các doanh nghiệp, các cá nhân cùng phải tham gia góp sức.

Theo tiến sỹ Đỗ Cao Sơn, nhà nghiên cứu về Môi trường và Năng lượng tại trường Đại học Sogang – Hàn Quốc: Biến đổi khí hậu toàn cầu đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức, con người nên tìm cách thích ứng với tự nhiên, chủ động thay đổi phương thức sản xuất để phù hợp với những biến đổi của tự nhiên thay vì chống lại sự thay đổi của tự nhiên.

Tiến sỹ Nguyễn Duy Tâm với tham luận “ Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn bức xạ mặt trời phong phú ở Việt Nam

Từ đấy, Tiến sỹ Đỗ Cao Sơn  đưa ra một vài đề xuất: Thay vì xem xâm nhập mặn do nước biển dâng và khô hạn là thiên tai, chúng ta xem xâm nhập mặn là một nguồn tài nguyên giúp phát triển ngành nuôi trồng hải sản. Cần phải nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thuỷ văn trong trung hạn từ 3 đến 6 tháng. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay các trung tâm khí tượng hiện đại có thể đưa ra dự báo chính xác đến 90% xu hướng mưa trong 6 tháng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lưu vực sông Mê kông. Đề nghị các nhà máy thủy điện trong lưu vực sông Mê Kông công khai kế hoạch sản xuất trong 6 tháng. Từ việc công khai kế hoạch sản xuất  điện, kết hợp với dự báo khí tượng giúp chúng ta có thể dự báo được hiện tượng xâm nhập mặn. Từ đấy giúp người sản xuất có thể đưa ra quyết định sản xuất phù hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Duy Tâm, Giảng viên và là nhà nghiên cứu ở trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore với tham luận “ Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn bức xạ mặt trời phong phú ở Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam là nơi có lượng chiếu sáng của bức xạ mặt trời rất lớn, ước khoảng 1600 -2700 giờ chiếu sáng một năm, với lượng bức xạ trực tiếp trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày (theo GE Reports). Điều này vừa mang lại các tác động tiêu cực và tích cực đến việc sản xuất và sử dụng năng lượng ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam lần thứ 1 -2018, chụp ảnh lưu niệm

Về mặt tiêu cực, lượng bức xạ mặt trời lớn này làm cho nền nhiệt độ vào mùa hè ở Việt Nam rất cao, khiến cho nhu cầu sử dụng các phương tiện làm mát ( quạt, điều hòa, thông gió…) tăng lên. Điều này đặc biệt cần thiết và phổ biến ở các tòa nhà cao tầng hiện đại có lắp đặt nhiều cửa sổ kính, khi bức xạ nhiệt có thể dễ dàng truyền qua và làm tăng nhiệt độ trong phòng ( ví dụ ở tòa nhà hành chính Đà Nẵng). Do đó, một năng lượng lớn cần phải sử dụng hàng năm để phục vụ mục đích điều hòa không khí, đặc biệt và mùa hè.

Về tích cực, bức xạ mặt trời là nguồn năng lượng vô tận mà hiện nay Việt Nam chúng ta chưa tận dụng được. Vấn đề lớn nhất trong việc sản xuất quy mô lớn và sử dụng đại trà năng lượng mặt trời không chỉ là giá thành đầu tư, mà là khả năng lưu trữ. Công nghệ năng lượng sạch nói chung ( Mặt trời, gió, thủy triều,…) có tính không ổn định và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Trong quá trình sản xuất, có những thời điểm lượng năng lượng tạo ra lớn nhưng nhu cầu sử dụng lại thấp ( Ví dụ tế bào năng lượng mặt trời đạt hiệu suất cao nhất vào giữa trưa đến chiều sớm). Do đó, một yêu cầu bức thiết là phải có phương pháp lưu trữ năng lượng quy mô lớn, hiệu quả, ổn định và lâu dài. Điều này sẽ tăng tính ứng dụng, góp phần giảm giá thành sản xuất, và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch ở Việt Nam.

Với kinh nghiệm nghiên cứu về cửa sổ thông minh và pin vanadium, tiến sỹ Nguyễn Duy Tâm đề xuất ứng dụng cửa sổ thông minh ( smart window ) và pin vanadium dựa trên các giải pháp công nghệ vật liệu mới để nhằm giảm tải các tác động tiêu cực, đồng thời tăng cường hiệu quả của việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời…

Sau phần thảo luận, các đại biểu sẽ xây dựng báo cáo kiến nghị và đề xuất chính sách. Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ thống nhất cơ chế vận hành Diễn đàn và ra mắt Mạng lưới kết nối trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; đồng thời công bố Bản đề xuất khuyến nghị và Chủ đề Diễn đàn năm 2019.

Hồng Sơn