Báo chí “ngáo ộp” doạ DN - hiện tượng đơn lẻ cần xử lý

00:00 12/10/2020

Không ít DN hiện có tâm cảnh giác thậm chí coi báo chí là "ngáo ộp" do những hành vi soi mói, doạ dẫm. Tại sao lại có hiện trạng này và hướng xử lý ra sao?

Những chia sẻ của nhà báo Đình Thắng - trưởng ban Kinh tế, báo Tiền Phong nhân ngày 21.6 sau đây là một cái nhìn thẳng vào những tồn tại của làng báo hiện nay.

doanh-nghiep

Nhà báo Đình Thắng - trưởng ban Kinh tế, báo Tiền Phong.

Đây đúng là một trong nhiều vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tại cuộc gặp gỡ với DN vào cuối tháng 4 vừa qua. Thủ tướng có nói báo chí phải đồng hành và là cầu nối với DN. Trên thực tế, có nhiều tờ báo, như Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… luôn có nhiều bài báo cổ vũ những mô hình kinh tế hiệu quả có đóng góp lớn cho xã hội.

Hơn ai hết, các phóng viên kinh tế cũng luôn tư duy: Làm bạn và gần gũi với DN. Từ đó mới có những bài phản biện các vấn đề (như là rào cản) để giúp môi trường kinh doanh lành mạnh. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự lớn mạnh của mỗi DN có tác động lớn tới nền kinh tế nước nhà.

Đúng là một trang facebook hay một trang tin nào đó nếu đưa tin thất thiệt có thể gây tác hại không nhỏ tới DN. Ví dụ, với ngành đồ uống, quá trình vận chuyển, bảo quản không tốt có thể gây hỏng sản phẩm. Nếu chưa kiểm chứng mà vội vàng quy kết sản phẩm kém chất lượng, rồi tung lên facebook, trang tin có thể tạo nên làn sóng tẩy chay.

Chúng ta “like”, “bình luận” và “chia sẻ” một cách thiếu tỉnh táo, khiến thông tin xấu càng lan rộng. Đó là chưa kể tới những thông tin vu khống, lại được đăng tải lên báo chí còn nguy hại hơn rất nhiều. Đã có những câu chuyện điển hình khiến doanh nghiệp điêu đứng, như: Thông tin có đỉa trong mì tôm, sữa…

Báo chí “ngáo ộp” là một hình thức luôn đi săm soi hoạt động DN từ những điều nhỏ nhất. Thậm chí khi có thông tin đem đến doạ dẫm, mặc cả khiến doanh nghiệp ngại báo chí. Sở dĩ có hiện tượng này vì có sự dung túng của lãnh đạo cơ quan báo chí đó. Hơn nữa, cũng do sự ngại đối đầu của DN với báo chí nên vụ việc không được xử lý, càng tạo đà cho việc doạ dẫm DN khi có dịp.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Hơn nữa đừng đánh đồng những cộng tác viên truyền thông, quảng cáo của tờ tạp chí, trang tin nào đó lợi dụng thương hiệu của tờ báo với các nhà báo. Ở một số tờ báo, người ta sử dụng đội ngũ này rất đông và tiếp xúc xin quảng cáo rất thô thiển bằng cách doạ dẫm phủ đầu. Những nhà báo chân chính khi đi làm việc, lấy thông tin, họ có kỹ năng và sự hiểu biết tác nghiệp, chứ không dễ gì hành xử hàm hồ.

- Các cơ quan chức năng và báo chí chính thống nên làm gì để ngăn chặn hiện tượng một số PV hoặc đối tượng giả dạng PV để quấy nhiễu, làm tiền DN?

Rõ ràng để xảy ra những chuyện nói trên có trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chưa bao giờ tình trạng các trang tin và các loại hình báo chí (nhất là báo mạng) nở rộ như bây giờ. Tôi nghe nói đã có quy định siết cấp phép những báo điện tử mới, nhưng thực tế thi thoảng vẫn thấy tờ mới xuất hiện. Đó có thể là một ấn phẩm phụ của một tờ báo. Bản chất là nhiều tờ báo trong một tờ báo. Có khi một sự kiện diễn ra thôi, nhưng chỉ riêng tờ báo đó cũng có đến 5-7 phóng viên có mặt đưa tin. Bởi vì, các phóng viên đó thuộc các ấn phẩm điện tử khác nhau. Còn chuyện trang tin hoạt động như một tờ báo thì nhiều vô kể. Những cộng tác viên của các trang tin hoạt động đáng lo ngại. Đây mới là đối tượng sách nhiễu doanh nghiệp nhiều.

Tôi không tin là cơ quan chức năng không biết và không thể xử phạt. Có thể các cơ quan chức năng sẽ nói, lực lượng mỏng (trong khi trang tin nhiều và đủ loại) nên chỉ đủ sức giám sát những tờ báo lớn.

Trong bối cảnh đó, báo chí chính thống càng phải thật sự chính thống bằng cách lành mạnh, nhanh nhạy, tin cậy và hữu ích hơn với bạn đọc. Có một thực tế, bạn đọc ngày càng tinh tế và hiểu biết. Điều này là một thách thức với người làm báo. Viết sai, viết kém không những bị kiện mà còn bị bạn đọc quay lưng. Như vậy, một tờ báo muốn tồn tại thì trước hết phải tử tế (từ cách tiếp cận đến lối viết) rồi hãy tính tới các thứ cao siêu khác. Muốn tử tế thì phải tăng cường trau dồi về đạo đức và nâng cao nghiệp vụ bên cạnh việc siết chặt kỷ luật công việc

- Theo ông, DN nên làm gì khi bị quấy nhiễu hoặc bị ảnh hưởng vì những thông tin thất thiệt từ các trang tin?

Bước đầu tiên, DN có thể phản ánh điều này ngay với lãnh đạo và đơn vị chủ quản của chính trang tin đó. Nếu không được giải quyết, DN gửi công văn lên Sở Thông tin Truyền thông nơi trang tin đó có trụ sở. Các bước cao hơn, DN có thể phản ánh tới là Cục Báo chí (Bộ TT&TT), Ban Tuyên Giáo Trung ương… Thậm chí, DN có thể kiện ra toà. Trong trường hợp có dấu hiệu tống tiền, DN có thể báo công an để kịp thời xử lý.

Theo KHÁNH HOÀ/laodong.com.vn