Mỏ sắt Thạch Khê(nằm trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, là mỏ sắt lớn nhất Vệt Nam và Đông Nam Á. Khu vực mỏ sắt nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6km. Năm 2007, thực hiện theo chỉ đạo tại Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 72-TB/TW ngày 09/05/2007, Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập để thực hiện dự án. Ngày 24/02/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép khai thác số 222/GP-BTNMT cho Công ty CP Sắt Thạch Khê với trữ lượng quặng khai thác 370 triệu tấn; khối lượng đất đá bốc xúc 651 triệu m3; hệ số bóc 1,76 m3/tấn. Công suất thiết kế giai đoạn 1: 5 triệu tấn quặng/năm, kéo dài 7 năm, khai thác đến độ sâu -145m; giai đoạn 2: 10 triệu tấn quặng/năm trong 34 năm, khai thác đến độ sâu -550m. Tổng diện tích 4.821 ha, bao gồm: khai trường 527 ha; bãi thải 1.991 ha (trong đó có 923 ha lấn biển); kho chứa quặng 64 ha…
Công ty CP Sắt Thạch Khê có vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng, gồm 9 cổ đông sáng lập, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (30% vốn) - là cổ đông chi phối; cùng một số đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực khai thác mỏ. Năm 2008, chủ đầu tư đã lập Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và thực hiện bóc đất tầng phủ. Tính đến tháng 7/2011, đã đào hơn 12,7 triệu m3 đến độ sâu âm 34m so với mực nước biển, thu được 3 nghìn tấn quặng. Năm 2016, Công ty CP Sắt Thạch Khê đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án theo quy định; giải phóng mặt bằng 830 ha; bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3; nộp ngân sách Nhà nước 253 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đã phải tạm dừng từ năm 2016 đến nay do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Chính phủ đề nghị dừng vì lo ngại về môi trường, công nghệ…
TS. Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam trao đổi với phóng viên. |
Ngược lại thời gian, TS. Trần Xuân Hòa cho biết, khi ông Trần Đình Đàn làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (Từ năm 2007 - 2011, ông Trần Đình Đàn là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Trung ương Đảng hỗ trợ Hà Tĩnh khai thác tiềm năng của mỏ sắt Thạch Khê. Từ đề nghị của Ban Thường vụ tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương Đảng đã giao cho Tập đoàn TKV- đơn vị có kinh nghiệm khai thác mỏ, khảo sát, nghiên cứu và nhận thấy việc khai thác Dự án mỏ sắt Thạch Khê hoàn toàn khả thi. Chúng tôi chỉ băn khoăn một điều, không hiểu vì sao, cả tập thể Thường vụ tỉnh Hà Tĩnh khi đó ủng hộ và quyết tâm triển khai dự án là vậy, các nhiệm kì tiếp theo, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lại thay đổi…
“Là nhà khoa học, chúng tôi suy nghĩ, đất nước muốn phát triển phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạị hóa. Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải chủ động được các mặt hàng chiến lược, không thể phụ thuộc vào nhập khẩu. Mỏ sắt Thạch Khê là một trong những nguồn tài nguyên lớn của đất nước (cùng với titan, bauxite, đất hiếm), qua quá trình bóc tách đất phủ chuẩn bị khai thác thử cho thấy hàm lượng sắt còn tốt hơn dự kiến. Dự án được khai thác sẽ đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thép phát triển, cung cấp nguyên liệu phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, phát triển đời sống văn hóa, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Một nguồn tài nguyên lớn như vậy, không thể để nằm im mãi…Cá nhân tôi khẳng định, Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê hoàn toàn khả thi và rất hiệu quả. Tôi có niềm tin Chính phủ sẽ sớm quyết định cho khởi động dự án”, TS. Trần Xuân Hòa chia sẻ.
Từ khi Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng cho đến nay, đã có rất nhiều cuộc họp, hội thảo của các bộ ngành, các nhà khoa học được tổ chức; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm việc với các bên liên quan đến dự án... Trong khi chủ đầu tư kiến nghị Chính phủ xem xét cho tái khởi động dự án thì tỉnh Hà Tĩnh vẫn kiên quyết đề nghị dừng, khiến đến thời điểm này “số phận” mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa được quyết định.
Công trường bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê (tháng 9/2010). |
TS. Trần Xuân Hòa cho biết, từ sinh hoạt của con người trong cuộc sống hàng ngày vốn đã nảy sinh vấn đề về môi trường, nói gì đến khai thác một dự án khoáng sản lớn. Vấn đề đặt ra, vấn đề môi trường của Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê được giải quyết như thế nào. Với công nghệ tiên tiến và máy móc hiện đại, chúng ta hoàn toàn đủ năng lực xử lí tốt các giải pháp liên quan đến môi trường của Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Thực tế đã chứng minh như Dự án khai thác mỏ Than Cọc Sáu tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh cũng khai thác sát biển, ở độ sâu âm 300 m, hay như các dự án bauxite Tây Nguyên có độ phức tạp về môi trường hơn nhiều, chúng ta cũng dần giải quyết được. Năm 2018, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cũng đã có bản kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến Dự án khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực... Hiệp hội khẳng định, công tác thăm dò, khảo sát và nghiên cứu điều kiện địa chất khu mỏ đã thực hiện từ năm 1960 bởi nhiều tổ chức trong và ngoài nước (Liên Xô - Nga, Đức, Úc, Nhật…) với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau. Kết quả nghiên cứu qua nhiều thời kỳ cho thấy, các tài liệu về trữ lượng mỏ địa chất thủy văn, địa chất công trình là đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy để tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu âm 550m.
“Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV của Đảng trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một trong những yêu cầu trong kỷ nguyên mới là “phải tạo đột phá trong huy động, sử dụng tối ưu các nguồn lực còn rất tiềm tàng của đất nước”. Thế và lực của chúng ta cần có để vươn mình mạnh mẽ chính là khoa học công nghệ và nguồn tài nguyên phong phú của đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, đưa nền khoa học công nghệ của đất nước phát triển lên tầm cao mới, vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, trong đó quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Tới đây, hàng loạt dự án lớn của đất nước sẽ được triển khai như Dự án Đường cao tốc Bắc- Nam, Dự án Đường sắt tốc độ cao hay Cảng Hàng không…nên cần chủ động được nguồn nguyên liệu sắt, thép, nhôm… do vậy việc tái khởi động Dự Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê cần được Chính phủ xem xét và sớm quyết định”, T.S Trần Xuân Hòa cho biết.
TS Trần Xuân Hòa- Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam: Nhờ lấn biển trong quá trình khai thác các dự án vùng than ở Quảng Ninh, đã tạo lên thành phố Cẩm Phả- thành phố công nghiệp và du lịch đang phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Với Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, nhằm chống cát bay, cát chảy, Công ty CP Sắt Thạch Khê đưa ra giải pháp đổ thải lấn biển thay vì đổ thải trên đất liền, với diện tích 923 ha. Việc dự án lấn biển sẽ tạo khu đất để xây dựng cảng phục vụ công tác vận chuyển tiêu thụ quặng sắt; mở rộng, xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh. |