TS. Trần Xuân Lượng: Ngăn “tát vét” đất đai trước giờ sáp nhập PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế tư nhân vẫn chưa "đóng đúng vai, tròn vai" |
Phát biểu tại một diễn đàn về môi trường mới đây, TS. Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) – cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh là một quá trình tất yếu nhưng không thể nóng vội. Theo ông, việc sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam hiện mới đạt khoảng 13% tổng tiêu thụ, trong khi mục tiêu cam kết tại COP26 là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được cột mốc này, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần tới 360 tỷ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm trong vòng 30 năm tới.
Khác với những chuyển đổi đơn thuần về hành vi hay cơ cấu tổ chức, chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh đòi hỏi sự đồng bộ giữa công nghệ, nguồn lực tài chính và năng lực thực thi. Năng lượng sạch hay công nghệ tiết kiệm điện không thể xuất khẩu như hàng hóa thông thường, mà phải được "nội hóa" vào quá trình phát triển kinh tế, sản xuất và tiêu dùng. Chính vì vậy, bài toán đặt ra không chỉ là vốn mà còn là cơ chế để hấp thụ và phân bổ nguồn lực hiệu quả.
![]() |
TS. Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). |
Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ. Dù Việt Nam đã có khái niệm tài chính xanh, trái phiếu xanh và một số định hướng cơ bản, song vẫn thiếu những quy chuẩn cụ thể để định nghĩa, giám sát và triển khai trên thực tế. TS. Nguyễn Tấn Quang cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Chính phủ bộ tiêu chí môi trường để làm cơ sở cấp tín dụng xanh. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc tài trợ cho các dự án xanh, vốn thường có thời gian thu hồi dài và nhiều rủi ro.
Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đã bước đầu tham gia thị trường này thông qua các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xanh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân thực tế vẫn còn rất thấp. Lý do đến từ cả hai phía: doanh nghiệp còn thiếu năng lực lập dự án đạt chuẩn môi trường, trong khi các ngân hàng cũng lo ngại về cơ chế bảo lãnh, đánh giá hiệu quả đầu tư xanh còn thiếu thống nhất. TS. Nguyễn Tuấn Quang nhận định: “Nếu như các tổ chức tín dụng thực sự chuyển dịch sang tài chính xanh và có cơ chế hấp thụ hiệu quả, thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đạt được các mục tiêu tại COP26”.
Một hướng đi đầy tiềm năng là phát triển thị trường carbon – công cụ tài chính giúp kiểm soát lượng phát thải và điều tiết vốn đầu tư theo cơ chế thị trường. Việt Nam đã bắt đầu xây dựng thị trường này và dự kiến vận hành chính thức sau năm 2028, với mục tiêu kiểm soát khoảng 20% tổng lượng phát thải carbon quốc gia. Tuy nhiên, để thị trường này vận hành minh bạch và hiệu quả, cần chuẩn hóa hệ thống giám sát, báo cáo, xác minh lượng phát thải cũng như minh bạch hóa quy trình đấu giá, cấp hạn ngạch phát thải.
Song song với đó, Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển hạ tầng xanh, từ điện mặt trời, điện gió, hệ thống lưu trữ năng lượng đến mạng lưới truyền tải thông minh. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng năng lượng sạch với chi phí hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế.
Cùng với chính sách, nhận thức và năng lực thực thi từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần được nâng cao. Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh sẽ chỉ thành công nếu toàn xã hội cùng đồng thuận và hành động. Điều này không chỉ là trách nhiệm môi trường mà còn là cơ hội phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng, đầu tư và thương mại toàn cầu đang hướng đến các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Cuối cùng, một yếu tố then chốt là hợp tác quốc tế. Việt Nam cần tận dụng các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính toàn cầu như Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng như các sáng kiến song phương để chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình và huy động nguồn lực bên ngoài.
TS. Nguyễn Tuấn Quang khẳng định, hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là một con đường dài, đầy thử thách nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Điều quan trọng là phải có một chiến lược rõ ràng, cơ chế hấp thụ tài chính hiệu quả và sự đồng hành thực chất giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế. Chỉ khi đó, giấc mơ xanh mới có thể trở thành hiện thực trên chính mảnh đất Việt Nam.