TS. Trần Xuân Lượng nêu giải pháp kiểm soát thị trường sốt đất ảo Luật hóa Nghị quyết 68 “cấp cứu” mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Trong bối cảnh nhiều huyện, xã trên cả nước đang nằm trong diện điều chỉnh địa giới hành chính nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý, TS. Trần Xuân Lượng – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam – lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ nghiêm trọng: tình trạng tranh thủ "tát vét" đất đai và tài sản công ngay trước thời điểm bàn giao. Đây là giai đoạn dễ phát sinh sai phạm nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cấp quản lý.
Ông Lượng ví thời điểm chuyển giao này như một khoảng trống thể chế – nơi dễ bị lợi dụng bởi các nhóm lợi ích. Trong khi bộ máy cũ chuẩn bị bàn giao, còn bộ máy mới chưa thực sự vận hành, nhiều quyết định giao đất, điều chỉnh quy hoạch hoặc chuyển mục đích sử dụng đất được ký duyệt một cách vội vã, thiếu minh bạch. Không ít dự án được "chốt nhanh" với tốc độ bất thường, bỏ qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt về pháp lý, năng lực chủ đầu tư hay tính khả thi hạ tầng.
![]() |
TS. Trần Xuân Lượng – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (Ảnh: Phan Chính) |
Nhìn lại quá khứ, TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh, Hà Tây chính là một bài học đắt giá mà đến nay Hà Nội vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. Trước thời điểm sáp nhập vào năm 2008, hàng loạt dự án bất động sản đã được cấp phép một cách vội vàng, thiếu kiểm soát. Việc phê duyệt dồn dập trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã tạo ra một hệ lụy nghiêm trọng kéo dài suốt hơn một thập kỷ.
Theo ông, hậu quả là hàng trăm dự án bị "treo" suốt 10 đến 15 năm, đất đai để hoang hóa, gây lãng phí lớn. Người dân sống trong các vùng quy hoạch bị ràng buộc, không thể xây dựng, chuyển nhượng hay phát triển kinh tế từ chính mảnh đất của mình.
Cụ thể, Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức), Dự án Dương Nội (Hà Đông), Vườn Cam (Tây Mỗ) hay Đồng Mai… đều là những “di sản sai phạm” vẫn chưa thể khắc phục sau hơn một thập kỷ.
Một ví dụ điển hình khác là huyện Mê Linh, nơi sáp nhập vào Hà Nội từ năm 2008. Đến nay, nơi đây vẫn được mệnh danh là “kho dự án treo” lớn nhất Thủ đô với hơn 64 dự án chưa triển khai, chiếm tổng diện tích hơn 2.000 ha.
Các khu đô thị như HUD Thanh Lâm – Đại Thịnh, CEO Hana Garden City, Prime Group, Việt Á… đều trong tình trạng “cỏ mọc – biệt thự hoang”. Gần 20 năm qua, hàng nghìn người dân tại đây vẫn chưa được sử dụng hợp pháp đất của mình, sống trong vùng quy hoạch treo, không lối thoát.
TS. Trần Xuân Lượng đặc biệt nhấn mạnh tới huyện Đông Anh – vùng đất đang có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, đồng thời là vùng đất “vàng” phía Bắc Thủ đô. Trong vòng hai năm gần đây, hàng loạt dự án lớn được công bố tại đây với quy mô vài trăm tới vài nghìn ha. Chính vì vậy đất Đông Anh còn dư địa phát triển nên dễ bị lợi dụng trong lúc sát nhập, thay đổi bàn giao chính quyền.
Ông Lượng phân tích, tình trạng sốt đất lan rộng tại Đông Anh đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, kéo theo hệ lụy giá đất tăng ảo, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ và thổi giá hoành hành. Nhiều nhà đầu tư ngắn hạn lợi dụng thông tin quy hoạch để kích giá, khiến thị trường bất động sản trở nên hỗn loạn, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.
“Sự phát triển nóng và thiếu kiểm soát đang đe dọa phá vỡ quy hoạch tổng thể, gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật – xã hội và bộ máy quản lý đô thị. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, Đông Anh hoàn toàn có thể đi vào “vết xe đổ” của Hà Tây năm 2008, nơi hàng loạt dự án bị treo, quy hoạch bị bóp méo và người dân rơi vào cảnh sống mòn trong vùng chờ chính sách.
TS. Trần Xuân Lượng kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bao gồm: Chính phủ và Quốc hội cần ban hành chỉ thị tạm dừng phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đất tại các địa phương chuẩn bị sáp nhập, ngoại trừ các dự án an sinh thiết yếu.
Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần rà soát kỹ tất cả hồ sơ liên quan tới đấu giá đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong 12 tháng trước và sau thời điểm sáp nhập.
Báo chí, xã hội dân sự, người dân cần chủ động giám sát cộng đồng, lên tiếng phản ánh và tố giác các hành vi trục lợi, bắt tay lợi ích nhóm.
“Hạ cánh không có nghĩa là an toàn” – TS. Trần Xuân Lượng cảnh báo. Đã có không ít cán bộ phải trả giá sau hàng chục năm vì “một chữ ký cuối cùng” khi rời nhiệm sở. Danh dự của một người lãnh đạo không nằm ở vị trí cuối cùng họ nắm giữ, mà ở cách họ kết thúc sự nghiệp – trong sạch và trách nhiệm.
Một lần nữa, bài học Hà Tây không chỉ là chuyện quá khứ. Nó vẫn đang hiện hữu trong từng mét đất, từng ngôi nhà bỏ hoang và trong nỗi lo thường trực của người dân sống trong vùng quy hoạch treo.