Khu công nghiệp xanh, thông minh
Trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội Nhập bên lề buổi Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp xanh ở Việt Nam hướng tới trung hòa các - bon”, TS. Hán Minh Cường, Công ty CP Tập đoàn SGroup Việt Nam khẳng định, khu công nghiệp xanh, thông minh là các khu công nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại để tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo ông Cường, các KCN xanh, thông minh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như IoT, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, quản lý thông minh và tự động hoá để tăng cường hiệu suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu khí thải và ô nhiễm môi trường.
Ông cho biết, mục tiêu của KCN xanh, thông minh là tạo ra môi trường làm việc an toàn, hiệu quả và bền vững, đồng thời giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao.
Ông Cường nhìn nhận, những bất cập trong quy hoạch khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh hiện nay gồm: Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ.
Thứ hai, dự báo không tốt, thu hút đầu tư chưa tốt, tỷ lệ lấp đầy thấp, lãng phí quỹ đất phát triển.
Thứ ba, thiếu cập nhật, chưa theo sát xu thế phát triển của thế giới.
Thứ tư, chưa lồng ghép được các mục tiêu phát triển chiến lược của thế giới cũng như của quốc gia trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Thứ năm, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phát triển các khu công nghiệp xanh, thông minh để thu hút đầu tư và Chưa có một hệ thống thu thập, đo lường, phân tích và quản lý cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh.
Trong đó, TS. Hán Minh Cường cho rằng, với xu thế phát triển chung như, xu thế về môi trường gồm: Net Zero Carbon, xử lý và tái chế chất thải, năng lượng, xu thế về công nghệ, Internet vạn vật (IoT), Robotics, công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo AI, an ninh mạng, xu thế kinh tế, sự chuyển dịch dòng vốn FDI và sự tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo ông Cường, các vấn đề như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xu thế xã hội, nhu cầu về nhà ở xã hội hay nhu cầu về môi trường sống an toàn, hiện đại, nhu cầu tương tác, giao tiếp giữa các bên liên quan tạo ra những giá trị lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Một số giải pháp định hướng quy hoạch khu công nghiệp, xanh thông minh
TS.Hán Minh Cường đã nêu ra một số giải pháp định hướng quy hoạch khu công nghiệp, xanh thông minh như sau:
Giải pháp về chính sách và pháp lý
Nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn, khung tiêu chuẩn và các bộ tiêu chí đối với các khu công nghiệp sinh thái, xanh, thông minh làm cơ sở cho việc thành lập, xây dựng và quản lý các dạng KCN này.
Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi cho KCN xanh, thông minh; cắt giảm các thủ tục hành chính trong việc thành lập và chứng nhận cho các KCN dạng này. Bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng; cung cấp các khoản đầu tư, hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường…qua đó khuyến khích doanh nghiệp phát triển hoặc chuyển đổi KCN theo hướng xanh, sinh thái. Đồng thời, xem xét áp dụng một số ưu đãi riêng cho những đơn vị phát triển hoặc chuyển đổi khu công nghiệp thành công.
Xây dựng các quy hoạch có tầm nhìn dài hạn
Xác định các mục tiêu quy hoạch được tính toán dự báo chính xác, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Các nghiên cứu tiền khả thi ban đầu khi thực hiện phát triển một khu công nghiệp xanh, thông minh cần được xem xét ở tất cả các khía cạnh bao gồm: vị trí và sự phù hợp cho việc phát triển; các yếu tố hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và liên vùng; nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm xanh; các tiến bộ và xu hướng của khoa học công nghệ; hành lang pháp lý và các chính sách khuyến khích… Bên cạnh đó là đánh giá các thách thức và rủi ro tiềm ẩn đối với môi trường, với cộng đồng địa phương…
Giải pháp trong thiết kế ý tưởng quy hoạch
Các giải pháp thiết kế trong quy hoạch nhằm xây dựng KCN xanh, thông minh cần hướng đến các mục tiêu, tiêu chí của KCN. Một số giải pháp thiết kế có thể áp dụng:
Thiết kế các KCN xanh với quan điểm thiết kế không cứng nhắc, áp đặt, đưa ra các giải pháp thiết kế linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương, tận dụng được những ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng;
Thiết kế hạ tầng giao thông ứng dụng các công nghệ và vật liệu mới, vật liệu tái chế như tro xỉ, bê tông tái chế, nhựa tái chế.. vừa đáp ứng các yêu cầu về tuổi thọ, độ bền của đường giao thông đồng thời đáp ứng các yêu cầu về công trình xanh, bảo vệ môi trường;
Sử dụng các mô hình dự báo, mô hình tính toán thuỷ văn để thiết kế quy hoạch hệ thống thoát nước mặt và áp dụng vào để quản lý theo thời gian thực khi đưa KCN vào vận hành khai thác; ứng dụng các vật liệu thoát nước mới thân thiện và bảo vệ môi trường;
Thiết kế hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông ứng yêu cầu của KCN thông minh ngay trong giai đoạn quy hoạch, bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng mạng, giải pháp về an toàn thông tin.
Giải pháp xử lý và tái chế nước và chất thải
Đề xuất các giải pháp thu gom, xử lý và tái chế nước, chất thải trong KCN ngay từ giai đoạn lập quy hoạch. Các hệ thống xử lý nước thông minh giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn nước và giảm lượng nước thải. Công nghệ tiên tiến như xử lý nước tái sử dụng và hệ thống kiểm soát tự động sẽ đảm bảo nước được tái chế và sử dụng một cách hiệu quả. Tương tự như vậy, tích hợp các quy trình, giải pháp tái chế chất thải vào quy hoạch rất quan trọng để giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Công nghệ tái chế hiện đại sẽ giúp giảm lượng chất thải không phân hủy và tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế
Giải pháp quy hoạch sử dụng năng lượng trong KCN
Quy hoạch sử dụng năng lượng trong KCN xanh, thông minh tập trung vào việc đầu tư và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và điện khí. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải carbon mà còn giảm chi phí hoạt động do sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng thông minh giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất. Công nghệ IoT (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo có thể giúp dự đoán và điều chỉnh tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực, tăng cường hiệu suất và giảm lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết
Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu liên thông về KCN
Quá trình quy hoạch cần có những dự báo, tính toán cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông trong KCN.
Cơ sở dữ liệu của KCN cũng cần được số hoá ngay từ các giai đoạn quy hoạch, thiết kế ban đầu, làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý sau này. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của mạng lưới các KCN cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Đây là những dữ liệu thông tin cần thiết để xác định cơ sở cho việc thực hiện cộng sinh công nghiệp. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng sẽ được liên thông với hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp nhằm phục vụ tối ưu cho công tác xúc tiến, thu hút, hợp tác đầu tư và quản lý Nhà nước.
Đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,93 nghìn ha Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các khu công nghiệp sinh thái và giảm dần các khu và cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Như vậy, sự cần thiết phải có các nghiên cứu phát triển KCN theo hướng xanh, thông minh để có thể đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với Quốc tế trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nghệ Nhân