Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà chính trị kiệt xuất, nhà lý luận vĩ đại

09:20 22/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là mất mát to lớn của Đảng ta và nhân dân Việt Nam, để lại lòng thương tiếc vô hạn trong nhân dân cả nước và quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà chính trị kiệt xuất, nhà lý luận vĩ đại, người sáng tạo đường lới ngoại giao “cây tre Việt Nam”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Mỹ đều bày tỏ sự kính trọng và thương tiếc về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là mất mát to lớn của Đảng ta và nhân dân Việt Nam, để lại lòng thương tiếc vô hạn trong nhân dân cả nước. Các nhà lãnh đạo các nước như Trrung Quốc, Nga, Mỹ… đều bày tỏ sự kính trọng và thương tiếc một nhà lãnh đạo có rất nhiều đóng góp xuất sắc trên lĩnh vực ngoại giao. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là người khởi xướng đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam”, góp phần to lớn bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trong thời gian qua, dù trên thế giới đang diễn ra những xung đột địa chính trị rất phức tạp.

Chủ tịch Tập Cận Bình: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà Mác-xít kiên định, nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam”.

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong qua đời, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất, mà còn là nhà lý luận vĩ đại, sâu sắc và tỉnh táo.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người theo Chủ nghĩa Mác kiên định, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Người được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ XI, XII và XIII của Đảng và rất được nhân dân Việt Nam ủng hộ, yêu mến” – Đại sứ Hùng Ba bày tỏ.

"Trong hơn mười năm qua, Tổng Bí thư đã dẫn dắt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất, mà còn là nhà lý luận vĩ đại, nhận thức sâu sắc và tỉnh táo đối với việc Việt Nam phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi", Đại sứ Hùng Ba nhận định.

Theo Tân Hoa xã - Trung Quốc, khoảng 16h ngày 20/7 (giờ Bắc Kinh, tức 15h cùng ngày giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng viếng, các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc gồm Thái Kỳ - Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao và các lãnh đạo cấp cao khác như ông Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Đinh Tiết Tường, Lý Hy.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiến vào sảnh tổ chức lễ viếng, nơi treo di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước di ảnh có đặt vòng hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình và vòng hoa của các lãnh đạo, đoàn thể Trung Quốc khác.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiến đến và dừng chân mặc niệm, cúi người ba lần trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó ghi sổ tang - theo Tân Hoa xã.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các quan chức nghiêng mình trước di ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh ngày 20-7 - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các quan chức nghiêng mình trước di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh ngày 20-7 - Ảnh: TTXVN.

Phát biểu với Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà Mác-xít kiên định, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam.

"Hơn 10 năm qua, tôi và đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc mật thiết, đã kết nên tình đồng chí nồng thắm. Sự kiện mang ý nghĩa cột mốc là năm 2023, chúng tôi cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.

Sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng khiến chúng tôi mất đi một đồng chí thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Việt Nam và đồng hành trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, khiến chúng tôi vô cùng thương tiếc.

Chúng tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp kiệt xuất của đồng chí Nguyễn Phú Trọng dành cho quan hệ hai Đảng, hai nước và sự nghiệp phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới", Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ.

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên định ủng hộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đoàn kết, lãnh đạo nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường phát triển của mình… Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất” - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.

"Mỹ sẽ mãi mãi biết ơn sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam ngày 25/4/2022. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam ngày 25/4/2022. Ảnh: TTXVN.

Ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, ngay trong chiều tối 19/7, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam công bố tuyên bố của Đại sứ Marc E. Knapper về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

"Chúng tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới phu nhân, bà Ngô Thị Mận, cùng gia quyến của Ngài, và người dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn này" - trích tuyên bố của Đại sứ Marc E. Knapper.

"Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đau buồn khi mất đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ" - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tuyên bố cho biết thêm, Mỹ trân trọng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa quan hệ Việt - Mỹ lên những tầm cao mới.

"Mỹ sẽ mãi mãi biết ơn sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng" - tuyên bố viết.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 20/7 đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mất mát to lớn này.

Lời chia buồn của Tổng thống Biden có đoạn viết: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi đầu trong việc gây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhờ sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, hai nước chúng ta đã có được tình hữu nghị và quan hệ đối tác như ngày hôm nay. Chuyến thăm lịch sử năm 2015 của Ngài Tổng Bí thư tới Nhà Trắng là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương của chúng ta. Nhờ tầm nhìn của Ngài Tổng Bí thư, trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2023 của tôi tới Hà Nội, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành "Đối tác chiến lược toàn diện", mức độ đối tác cao nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhờ tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta, người dân Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày nay được sống trong môi trường an ninh và những cơ hội lớn hơn. Đó là nhờ công lao của Ngài Tổng Bí thư.

Đất nước Hoa Kỳ và cá nhân tôi sẽ luôn ghi nhớ, đánh giá cao cam kết của Ngài trong hàn gắn và xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tôn vinh di sản của Ngài Tổng Bí thư và cùng với người dân Việt Nam xin được tỏ lòng tiếc thương sự ra đi của Ngài".

Tổng thống LB Nga Putin: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bạn thực sự của nước Nga”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 20/6/2024. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 20/6/2024. Ảnh: TTXVN.

Ngày 19/7, nhiều tờ báo lớn của Nga đều đưa tin: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư chia buồn khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Với dòng tít: “Tổng thống Nga Putin sẽ giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người bạn thực sự của nước Nga”, trang web chính thức của Tổng thống Nga Putin, các hãng tin TASS, Ria Novosti, các báo: Tin tức, Báo Nga… đều đăng nguyên văn thư chia buồn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bức thư khẳng định, tại Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được nhớ đến như một người bạn thực sự, người đã đóng góp lớn vào việc thiết lập và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa LB Nga và Việt Nam.

Tổng thống Putin cũng chia sẻ rằng, ông đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông luôn ấn tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người tuyệt vời. Tổng thống Putin sẽ luôn lưu giữ những ấn tượng tốt đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng thống Nga Putin viết: "Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và sự chia sẻ nỗi mất mát lớn lao tới gia quyến và người thân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Người sáng tạo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Một trong những thành tựu nổi bật nhất, dưới sự lãnh đạo, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hình thành đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Đường lối ngoại giao đặc sắc này là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng ta đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua, đóng góp quan trọng vào những thành tựu mà đất nước đã và đang đạt được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải, giảng viên Trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia, trả lời phỏng vấn với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV cho rằng, đó là “trường phái đối ngoại rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải phân tích các yếu tố sau làm nên thành công của “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”. Đó là truyền thống và văn hóa của người Việt Nam, là nhân nghĩa, khoan dung, hòa hiếu, mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, cương nhu, biết mình, biết người; là khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam; là tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại; là thành quả phát triển và vị thế quốc tế thực tế của Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới cho đến nay, trong đó có đóng góp rất lớn của công tác đối ngoại; là truyền thống đoàn kết của người Việt Nam, tạo nên sức mạnh của dân tộc trong chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển đất nước; là truyền thống kế thừa, “tre già măng mọc”, lớp đi trước đào tạo và dìu dắt lớp người đi sau để đảm bảo sự tiếp nối và nhất quán; là sự ổn định về chính trị ở trong nước, giống như cái gốc và cái rễ của cây tre, “gốc có vững thì thân mới bền”.

“Ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là vì chúng ta đã thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” trên tinh thần chủ động và tích cực. Đường lối ngoại giao này đã phát huy tác dụng, bảo vệ và đem lại lợi ích quốc gia - dân tộc tốt nhất trong thời gian qua.

Lấy ví dụ trong vấn đề Biển Đông, chúng ta đề cao các thỏa thuận và quy tắc đã đạt được giữa các bên liên quan, đặc biệt là việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (LHQ) 1982 (UNCLOS 1982); phản đối mọi hành vi đơn phương xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta, vi phạm UNCLOS 1982, đồng thời hoan ngênh tất cả các bên có đóng góp vào duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong xung đột giữa Nga và Ukraina, chúng ta đề cao việc tuân thủ Hiến Chương LHQ, và kêu gọi các bên quay trở lại đàm phán. Lãnh đạo Việt Nam đã nói rõ rằng, Việt Nam “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”. Cho thấy thông điệp của Việt Nam trong xung đột Nga-Ukraine là rõ ràng.

Vĩnh Hy