Bài liên quan |
Sửa Luật Doanh nghiệp để siết chặt vốn “ảo”, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp |
Cần gấp rút sửa đổi Luật Doanh nghiệp để tránh rơi vào "danh sách đen" |
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo là việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi – một khái niệm mới nhưng mang tính quyết định trong việc nhận diện thực thể đứng sau các hoạt động kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu, từ đó điều chỉnh khái niệm theo hướng bao quát, tương thích với Luật Phòng, chống rửa tiền và các khuyến nghị từ Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Các tiêu chí như tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, quyền biểu quyết hoặc khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp sẽ được cụ thể hóa trong nghị định hướng dẫn thi hành.
Quy định yêu cầu doanh nghiệp lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi tối thiểu 5 năm không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn mang tính phòng ngừa cao. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp được thành lập, hoạt động ngắn hạn rồi giải thể, để lại hậu quả trong việc truy vết trách nhiệm pháp lý. Việc chuẩn hóa thông tin này, cùng với kết nối dữ liệu định danh cá nhân, sẽ giúp cơ quan chức năng bóc tách các hình thức "núp bóng" doanh nghiệp nhằm trục lợi chính sách.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Một vấn đề gây chú ý khác là quy định giới hạn hệ số nợ phải trả của các công ty chưa đại chúng khi phát hành trái phiếu riêng lẻ – không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đây là phản ứng cần thiết trước thực tế một số doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống pháp lý để huy động vốn quá mức, sau đó mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư và ổn định tài chính quốc gia.
Quy định mới được xây dựng trên cơ sở tham vấn rộng rãi các thành viên thị trường như ngân hàng, quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là bước đi nhằm siết chặt kỷ luật tài chính mà vẫn đảm bảo doanh nghiệp có không gian huy động vốn hợp lý, tránh tạo ra bong bóng đầu tư hoặc phát hành trái phiếu tràn lan.
Để thực hiện hiệu quả các quy định mới, dự thảo luật cũng tăng cường vai trò quản lý nhà nước tại địa phương. Theo đó, UBNDcấp tỉnh sẽ có trách nhiệm tổ chức giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và xu hướng chuyển dịch quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bộ Tài chính đang được giao xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó sẽ quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan, đảm bảo tính khả thi và không tạo thêm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả mà vẫn duy trì sự linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đúng hướng.