Bộ trưởng Tài chính chỉ ra điểm đáng chú ý tại dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu Bãi bỏ “xin chủ trương đầu tư”: Đúng lúc, đúng hướng, đúng tinh thần cải cách |
Dồn lực cho đầu tư công: Quyết tâm đi đôi hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 diễn ra ngày 20/5/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Không được dàn trải. Nhiệm kỳ tới, phải giữ dưới 3.000 dự án”. Đây không chỉ là yêu cầu mang tính kỹ thuật, mà là thông điệp rõ ràng về một chiến lược đầu tư công tinh gọn, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời chống thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực quốc gia.
Bối cảnh kinh tế đang đòi hỏi đầu tư công phải tiếp tục đóng vai trò "đầu tàu" kéo nền kinh tế tăng trưởng, nhất là trong khi khu vực tư nhân còn chưa hồi phục hoàn toàn. Tính đến ngày 30/4/2025, cả nước đã giải ngân hơn 128.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng 18.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, dù tỷ lệ đạt 15,56% vẫn thấp hơn mức 16,64% của năm 2024.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP) |
Trong bức tranh ấy, những điểm sáng đã xuất hiện. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, cùng các địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều có tỷ lệ giải ngân trên trung bình. Các công trình lớn như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, tuyến chính cao tốc Bắc – Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, các bến cảng Lạch Huyện, đường sắt tốc độ cao… đang gấp rút hoàn thiện, góp phần tạo nên “khí thế thi công” sôi động khắp cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” chưa được khai thông: còn 17 bộ, ngành và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, tổng cộng gần 8.000 tỷ đồng. 37/47 bộ, ngành và 27/63 tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình. Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chờ chỉ đạo, thiếu chủ động… vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Đáng lo ngại, các dự án lớn như cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu, Tân Phú - Bảo Lộc, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh… đều bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu, chưa rõ tiêu chuẩn kỹ thuật hay đơn giá.
Đột phá thể chế: Giải pháp từ gốc cho đầu tư công hiệu quả
Để đầu tư công thực sự trở thành động lực tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thay đổi cách làm từ gốc, bắt đầu bằng cải cách thể chế. Luật Đầu tư công mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với hàng loạt quy định phân cấp mạnh, trao quyền nhiều hơn cho địa phương nhưng cũng kèm theo trách nhiệm cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho các bộ ngành sửa đổi, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá xây dựng trước ngày 15/6. Bộ Tài chính được giao chủ trì sửa luật đấu thầu, luật ODA và các quy định liên quan để tháo gỡ các nút thắt lâu năm.
Song song đó, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phải rà soát, đánh giá việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở từng đơn vị. Việc hoàn thành hay không sẽ trở thành căn cứ đánh giá cán bộ, phản ánh năng lực tổ chức thực thi của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác chuẩn bị đầu tư: phải nâng cao chất lượng hồ sơ, tính toán kỹ về tổng mức đầu tư, tránh tình trạng “làm đến đâu sửa đến đó”, gây đội vốn, kéo dài thời gian. Với kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiệm kỳ tới, tinh thần là “ít nhưng chất”, dưới 3.000 dự án – chọn lọc theo năng lực, hiệu quả, tác động lan tỏa và phù hợp quy hoạch quốc gia.
Về phân cấp, các địa phương sẽ được chủ động hơn trong việc triển khai các tuyến giao thông hạ tầng, phối hợp giải phóng mặt bằng. Những dự án khó, phức tạp, cần Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo. Việc xử lý người dân khó khăn về đất ở, sinh kế cần thực hiện hài hòa, nhân văn, đúng pháp luật.
Một trong những điểm nhấn mới là việc thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư (PPP), nhất là với các tuyến cao tốc đã và đang khai thác hiệu quả. Những doanh nghiệp làm tốt có thể được giao tiếp các dự án mở rộng, thay vì tiếp tục tổ chức đấu thầu từ đầu, gây kéo dài thời gian.
Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc. Các Phó Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ từng bộ, ngành, địa phương tháo gỡ điểm nghẽn.
Riêng với chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Dân tộc, Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ chủ động tăng phân quyền cho địa phương, nếu vướng thì Chính phủ sẽ ra nghị quyết để xử lý.
Đầu tư công 2025 là bài kiểm tra năng lực quản trị, tính kỷ luật và khả năng hành động của cả hệ thống chính trị. Với quyết tâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng Chính phủ đang truyền đi thông điệp mạnh mẽ: đã đến lúc đầu tư công phải thật sự hiệu quả, minh bạch, không chỉ tạo tăng trưởng mà còn kiến tạo nền tảng phát triển dài hạn cho đất nước.
Nhiệm vụ không chỉ nằm ở con số 3.000 dự án, mà ở chất lượng từng công trình, ở sự quyết liệt của từng cấp, từng ngành, từng người đứng đầu. Khi đầu tư công được vận hành đúng hướng, minh bạch, bền vững, đó cũng là lúc niềm tin được củng cố, cả từ nhà đầu tư lẫn người dân.