Điện than: Giảm tỷ trọng nhưng chưa thể "rút lui"
Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII, điện than được định hướng giảm mạnh về tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện. Cụ thể, theo Quy hoạch VIII, đến năm 2030, công suất nhiệt điện các loại khoảng từ 65.440-80.370 MW; trong đó nhiệt điện than 31.055 MW (chiếm tỷ lệ 13,1 - 16,9%).
![]() |
Nhà máy sản xuất điện than. Ảnh minh hoạ |
Việc duy trì điện than một phần đến từ ưu thế vận hành: Ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết, hạ tầng đã sẵn có, giá thành tương đối thấp nếu chưa tính đến đầy đủ chi phí môi trường. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy điện than hiện nay do các doanh nghiệp nhà nước hoặc liên doanh lớn vận hành, nên có sự thuận lợi nhất định về mặt cơ chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, điện than chỉ có thể là giải pháp tạm thời. Nếu không có lộ trình giảm phụ thuộc cụ thể, sẽ kéo theo hệ lụy lâu dài về môi trường, sức khỏe cộng đồng và nghĩa vụ tài chính trong các cam kết quốc tế về giảm phát thải.
Điện sạch: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều
Trong khi điện than vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể, các nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió lại đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
![]() |
Điện gió đang gặp không ít trở ngại trong quá trình phát triển |
Thứ nhất, cơ chế giá mua điện (FIT) đã hết hiệu lực, và hiện chưa có chính sách giá mới rõ ràng để khuyến khích nhà đầu tư. Thứ hai, hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được tốc độ phát triển dự án – đặc biệt là ở các khu vực có tiềm năng điện gió, điện mặt trời cao như Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Thứ ba, các thủ tục pháp lý liên quan đến quy hoạch, đất đai, đánh giá môi trường… vẫn còn phức tạp.
Tư duy chuyển dịch cần đi liền với hành động
Quy hoạch điện VIII đã thể hiện tầm nhìn dài hạn trong chuyển dịch năng lượng, nhưng cần thêm các bước đi cụ thể, đồng bộ hơn từ cả trung ương lẫn địa phương để khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, pháp lý và hạ tầng.
Việc giảm tỷ trọng điện than là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, nếu các nguồn điện sạch chưa thể phát triển kịp thời, thì khoảng trống năng lượng buộc phải được bù đắp có thể bằng nhập khẩu điện, hoặc quay trở lại các nguồn phát truyền thống.
Do đó, muốn nói lời “chia tay” với điện than, trước hết cần tạo điều kiện để điện sạch phát triển thực chất. Chuyển dịch năng lượng không thể chỉ nằm trong bản quy hoạch, mà cần được thể hiện bằng hành động cụ thể, từ hỗ trợ đầu tư, cải thiện hạ tầng đến đơn giản hóa thủ tục và đảm bảo cơ chế giá hấp dẫn, minh bạch.