Những cú hích chính sách như: Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) tại Hoa Kỳ, gói REPowerEU của châu Âu, hay chiến lược sản xuất siêu quy mô của Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển hóa năng lượng tái tạo từ lựa chọn “xanh” thành lựa chọn “rẻ và bảo đảm an ninh năng lượng”. Một cuộc chuyển dịch toàn cầu đang tăng tốc không chỉ vì mục tiêu khí hậu, mà bởi yêu cầu thực tiễn về chi phí và ổn định cung ứng.
Trong bức tranh toàn cầu đó, Việt Nam từng ghi dấu một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 2019–2021, hơn 20 GW điện mặt trời và điện gió đã hòa lưới, đưa nước ta trở thành một trong những điểm sáng về năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những điểm nghẽn, khi lưới điện truyền tải 500 kV chưa mở rộng đúng tiến độ, đã khiến nhiều khu vực như Ninh Thuận cũ, Bình Thuận cũ rơi vào tình trạng cắt giảm công suất lên đến 30%, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả đầu tư và niềm tin của thị trường.
Chiến lược ba tầng cho tương lai năng lượng sạch
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện bình quân 7% mỗi năm, đồng thời giữ vững cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần một chiến lược đa tầng, vừa nhất quán, vừa linh hoạt.
![]() |
Nike hay Samsung hứa hẹn sẽ là đối tác PPA hàng đầu tại Việt Nam |
Tầng hạ tầng: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như đường dây 500 kV Long Phú – Ô Môn, Thốt Nốt – Bạc Liêu, đồng thời thử nghiệm các mô hình lưu trữ năng lượng (BESS) quy mô lớn. Việc cho phép bên thứ ba tham gia truyền tải sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và mở rộng nguồn lực xã hội hóa.
Tầng thị trường: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho DPPA, triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon nội địa, và mở rộng các mô hình như điện gió gần bờ, điện mặt trời nổi trên ao tôm hay nông-điện (agrivoltaics) – những giải pháp đặc hữu, thích nghi với điều kiện đất đai và phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long.
Tầng thể chế và nhân lực: Với điện hạt nhân, điều quan trọng là xây dựng niềm tin xã hội. Việc thành lập Ủy ban An toàn Hạt nhân độc lập, khởi động lại chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành, và xây dựng cơ chế tài chính khép kín cho khâu xử lý, tháo dỡ là tiền đề không thể thiếu để Việt Nam tiến tới đa dạng hóa nguồn điện một cách bền vững.
![]() |
Việt Nam hoàn toàn có thể tiến bước vững chắc vào thập niên 2030 với một hệ thống điện sạch, an toàn và bền vững hơn |
Chuyển dịch năng lượng là xu thế, nhưng sẽ không có chuyển động thực chất nếu bánh lái chưa được định hướng đúng. Khi năng lượng tái tạo được đặt trong một chiến lược tổng thể, hài hòa giữa hạ tầng, thị trường, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến bước vững chắc tới năm 2030 với một hệ thống điện sạch, an toàn và bền vững hơn.