Ngày 11/10/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục tăng giá bán lẻ điện, theo quyết định số 2699/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Giá bán điện bình quân đã điều chỉnh từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương ứng với mức tăng 4,8%.
EVN tăng giá bán lẻ từ ngày 11/10/2024 theo quyết định số 2699/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. |
Đây là lần điều chỉnh tăng giá điện thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó, vào ngày 4/5/2023, giá điện đã tăng hơn 55,9 đồng/kWh (khoảng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9/11/2023 là 86,4 đồng/kWh, tương ứng mức 4,5%.
Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Chi phí tăng khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá thành sản phẩm khi đây là yếu tố chi phí thiết yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, chiếm khoảng 14 - 15% giá vốn hàng bán trong lĩnh vực sản xuất xi măng…
Biểu đồ tăng trưởng giá bán điện từ ngày 1/3/2009 đến 11/10/2024, liên tục đi lên. |
Trước khi điều chỉnh, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. Tính riêng trong năm 2023, EVN chịu khoản lỗ gần 22 nghìn tỷ đồng, trong đó lỗ lũy kế từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã lên tới 34 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng ngành điện thua lỗ kéo dài nguy cơ ảnh hưởng tới phát triển nguồn điện trong tương lai. "Chi phí gần như không tạo được động lực để đầu tư, thu hút vốn từ các doanh nghiệp tư nhân", TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá. Trong khi đó, theo chuyên gia, EVN lỗ kéo dài sẽ ảnh hưởng uy tín tài chính khi vay vốn quốc tế. Bởi, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp này sẽ bị hạ thấp, dẫn tới khó thu xếp hoặc tiếp cận nguồn vốn có lãi suất ưu đãi. Việc này sẽ gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, việc không có lợi nhuận sẽ không đảm bảo nguồn vốn, dòng tiền để tái đầu tư. Thậm chí, theo ông, nếu EVN bị lỗ nhiều quá, mất khả năng thanh toán còn kéo theo những doanh nghiệp khác bán điện cho tập đoàn này bị ảnh hưởng. "Quy hoạch điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay, việc thực hiện quy hoạch này rất xa vời", ông nói, thêm rằng điều này có thể dẫn tới thiếu điện trong tương lai.
Bài học từ cuộc khủng hoảng thiếu điện trong mùa hè 2023 là lời cảnh báo rõ ràng. Tình trạng cắt giảm điện gây ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và nhiều doanh nghiệp, gồm cả những nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo TS. Hà Đăng Sơn, "Đương nhiên khi tăng giá điện sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội, nhưng sẽ không có chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn đầu tư", ông nói.
Việt Nam đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch.
Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, điều đáng lưu tâm là Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tuy nhiên, nguồn năng lượng xanh như điện gió và điện mặt trời chưa được khai thác đúng mức, làm giảm cơ hội tạo ra nguồn điện bền vững và sạch cho tương lai.
Đã đến lúc Việt Nam cần cho phép nhiều nhà cung cấp điện tham gia, tạo ra cạnh tranh và đa dạng nguồn cung. Chỉ khi có sự cạnh tranh, thị trường năng lượng mới có động lực phát triển, giúp điều chỉnh giá điện một cách hợp lý và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và bền vững.
Tại Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi thông qua tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV, Khoản 4, Điều 5 (chính sách của nhà nước về phát triển điện lực) của Dự thảo nêu rõ: “Xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong dầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật”.
Vẻ đẹp đến từ thiên nhiên của điện mặt trời. |
Cũng theo Điều 5, Nhà nước chỉ còn giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện, đầu tư các dự án điện hạt nhân, thủy điện đa mục tiêu, các nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên. Nhà nước cũng độc quyền vận hành lưới truyền tải điện, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.
Câu hỏi đặt ra là sửa Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền hay không? Nhà nước độc quyền tới đâu, giao lại đầu tư cho các ngành kinh tế khác thế nào? Khi nào cơ chế độc quyền trong ngành điện sẽ được dỡ bỏ để cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và kinh tế?
Đây không chỉ là bài toán năng lượng dài hạn mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới.