Theo Nghị quyết 143 ngày 17/9 của Chính phủ, bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Đại dịch Covid vẫn chưa khắc phục xong, nay lại đến Yagi, nền kinh tế khó khăn vẫn còn chồng chất. |
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Tính đến ngày 17/9, đã có 329 người chết, mất tích, 1.929 người bị thương. Khoảng 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sụp đổ, hư hại, 726 sự cố đê điều, trên 307.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại.
Những con số biết nói đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của bão số 3, những gì còn lại là đau thương, mất mát không biết khi nào có thể nguôi ngoai.
Nghĩa đồng bào của Sao Mai Group trên quê hương Thanh Hóa. |
Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, huy động tài lực, vật lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất. Từ chính sách giãn, hoãn nợ của ngân hàng cho tới khoản tiền trao trực tiếp cho người dân, từ những khu tái định cư của doanh nghiệp xây nên cho tới tấm lòng nhỏ mỗi người gửi gắm tới đồng bào, tất cả đều cho thấy tình thần đoàn kết dân tộc cùng vượt qua khó khăn.
Đại diện doanh nghiệp An Giang (Sao Mai Group) trao quà tặng tại Yên Bái. |
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn khi hiện tượng trái đất nóng dần lên, băng tan, nước biển dâng và lũ lụt kéo đến. Việt Nam đã oằn mình gánh chịu một Yagi cuồng nộ, và đâu ai dám chắc ngày mai không có thêm cơn bão nào như vậy?
Chúng ta không thể đoán trước có còn cơn bão lớn nào ập tới trong tương lai, nếu có tới, cũng chẳng thể tránh được. Điều chúng ta cần làm là bồi đắp mối quan hệ sinh tử của sự sống, làm xanh tốt những cánh rừng, biến những quả đồi đang đợi sự sống thành vùng đất bạt ngàn cây. Chỉ khi cây bám rễ sâu, tầng địa chất mới trở nên vững chãi. Cây vươn mình ngăn gió lớn, cây toả rễ ôm giữ những quả đồi, bảo vệ con người trước những biến đổi bất thường của thiên nhiên - điều mà bê tông cốt thép chẳng thể nào thay thế được.
“Quê hương ta biển bạc, đồng xanh”, nhưng nếu cứ vô tư hưởng thụ sự trù phú, giàu có ấy mà quên bồi đắp, bảo vệ thì thế hệ tương lai sẽ chỉ còn sự tiếc nuối. Biết đâu lại cả oán giận, khi cảnh tang thương kinh hoàng của Làng Nủ (Lào Cai) tái diễn.
Trước mẹ thiên nhiên, mọi thứ thật nhỏ bé, nhưng chính những con người nhỏ bé đã thật sự có ý thức giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sống? Đất đá bất ngờ đổ sập vùi lấp hàng chục nóc nhà, lũ quét cuốn phăng mọi thứ, đã đến lúc con người nên và cần sợ hãi. Sợ để thay đổi cách cư xử với mẹ thiên nhiên, để hiểu tầm quan trọng của phát triển bền vững.
Xu hướng phát triển bền vững, trong đó có sử dụng năng lượng tái tạo đã được đưa vào Quy hoạch Điện VIII. Với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Ngoài ra, khí hậu nhiệt đới gió mùa với cường độ bức xạ mặt trời khác nhau theo từng khu vực cũng là lợi thế cực lớn để nước ta khai thác năng lượng sạch; điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện gió gần bờ v.v..)
Năng lượng sạch và sự bình yên. |
Bức xạ mặt trời tại Việt Nam là nguồn tài nguyên sạch vô giá và vô tận. Kho báu ấy hoàn toàn cho phép ta khai thác vô tư để phát triển điện sạch đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm dần tỷ lệ những loại điện tiêu tốn tài nguyên, từ đó giảm áp lực cho môi trường.
Muốn chuyển đổi mạnh mẽ nguồn năng lượng để bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường, cần nhiều hơn nữa những quyết sách, chỉ đạo từ Đảng, Chính phủ.