Cơ hội nào cho khu công nghiệp Việt giữa cơn bão thuế quan từ Mỹ? Bộ Tài chính thúc giải ngân đầu tư công, ưu tiên dự án hạ tầng |
Trong nhiều kỳ họp Quốc hội và Chính phủ gần đây, đầu tư công luôn là đề tài nóng, không phải vì thiếu tiền, mà bởi nghịch lý: Vốn đã bố trí đầy đủ nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn ì ạch, thấp hơn kỳ vọng và kế hoạch. Dù tổng vốn đầu tư công năm 2025 được phân bổ vượt 800.000 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước tới nay – nhưng tiến độ thực hiện nhiều dự án hạ tầng lớn vẫn chậm như “sên bò”, gây lãng phí nguồn lực và kéo lùi đà phục hồi kinh tế.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc chỉ đạt khoảng 24%, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 gần 3 điểm phần trăm. Trong đó, hàng loạt địa phương có mức giải ngân dưới 15% dù vốn đã chuyển về kho bạc địa phương từ quý I. Câu hỏi đặt ra: Vì sao tiền đã có, dự án đã được thông qua, nhưng công trình vẫn chưa thể triển khai?
![]() |
Giải ngân chậm, đầu tư công đang “tắc” ở đâu .Ảnh: Minh họa |
Một trong những “nút thắt” lớn nhất nằm ở khâu quy hoạch – nền tảng của mọi dự án đầu tư công. Việc Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thiện quy hoạch tỉnh, khiến hàng loạt dự án phải chờ điều chỉnh hoặc chưa đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt chủ trương đầu tư. Thậm chí có những trường hợp, quy hoạch sử dụng đất chưa được cập nhật kịp thời, dẫn tới tình trạng dự án có chủ trương nhưng không thể triển khai vì... chưa xác định được vị trí cụ thể.
Sự lúng túng trong công tác chuẩn bị đầu tư cũng là rào cản lớn. Nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa đủ năng lực chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán, trình thẩm định theo đúng yêu cầu pháp luật. Tình trạng “vừa làm vừa học” khiến các bước chuẩn bị kéo dài, sai sót phải điều chỉnh liên tục, mất nhiều thời gian xử lý. Đó là chưa kể tới các dự án nhóm A, B phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành, kéo dài thêm thời gian chờ đợi.
Khi dự án đã được phê duyệt và bố trí vốn, một “cửa ải” nữa lại xuất hiện: Đấu thầu. Nhiều gói thầu hạ tầng quan trọng vẫn vướng ở khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu vì hồ sơ không hợp lệ, thiếu tính cạnh tranh hoặc đơn vị trúng thầu không đáp ứng năng lực theo cam kết. Một số nơi tổ chức đấu thầu tới lần thứ ba, thứ tư mới chọn được nhà thầu, trong khi vốn thì vẫn nằm yên ở kho bạc nhà nước, không thể giải ngân.
Mặt khác, tâm lý e ngại sai phạm trong đầu tư công đang hiện hữu trong không ít cán bộ, lãnh đạo chủ đầu tư. Trong bối cảnh thanh tra, kiểm toán, điều tra diễn ra thường xuyên, nhiều người chọn “an toàn” bằng cách trì hoãn ký duyệt hồ sơ, chờ hướng dẫn rõ ràng thay vì chủ động giải quyết. Tâm lý “sợ sai hơn sợ trễ” đang khiến nhiều công trình quan trọng không thể khởi công đúng kế hoạch, thậm chí kéo dài hàng năm vì thiếu quyết đoán.
Vấn đề không chỉ nằm ở quy trình, mà còn là cách tiếp cận và điều phối vốn đầu tư công. Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất nên chuyển mạnh từ cơ chế phân bổ cứng sang cơ chế “thi đua giải ngân” – nơi các địa phương, bộ ngành nào triển khai nhanh, giải ngân tốt sẽ được bổ sung vốn giữa kỳ; ngược lại, nơi nào chậm trễ thì cắt giảm hoặc điều chuyển sang đơn vị khác. Cách làm này đã từng được áp dụng một phần trong năm 2023 và cho kết quả khả quan, cần được mở rộng và luật hóa.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm kế hoạch. Các ban quản lý dự án phải có chuyên môn vững, đủ nhân lực và được trao quyền rõ ràng để rút ngắn quy trình nội bộ. Song song đó, cần số hóa toàn bộ quy trình giải ngân, đấu thầu, giám sát công trình để tăng tính minh bạch, tránh rủi ro pháp lý và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đầu tư công là động lực then chốt của tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định. Tuy nhiên, nếu dòng tiền không được vận hành đúng hướng, đúng thời điểm thì sẽ trở thành gánh nặng thay vì là “cú hích”. Muốn tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn này, cần một cuộc cải cách toàn diện từ luật pháp, cơ chế điều hành cho tới tư duy quản trị đầu tư công ở cả trung ương và địa phương.