Thực hiện hóa đơn điện tử: Cần cải thiện chất lượng hướng dẫn hộ kinh doanh Những trường hợp nào bị từ chối đăng ký hộ kinh doanh? |
Tâm lý bất an và sức chịu đựng đang cạn dần
Một làn sóng lo ngại đang lan rộng trong giới hộ kinh doanh cá thể sau khi Nghị định 70/2022/NĐ-CP chính thức yêu cầu áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Theo khảo sát toàn quốc của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công bố mới đây, hơn 60% hộ kinh doanh nhỏ dự báo lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
![]() |
Hội thảo nhận diện khó khăn, vướng mắc do duy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị. Ảnh: Phan Chính |
Cuộc khảo sát của VCCI với trên 1.368 hộ kinh doanh cá thể cho thấy, mức độ nhận biết chính sách rất cao – 94% số người được hỏi đã nghe tới Nghị định 70/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, chỉ 11% thực sự hiểu rõ để triển khai đúng quy định; 68% thừa nhận chỉ hiểu "sơ bộ", còn lại hoàn toàn mơ hồ. Thiếu hiểu biết là điều kiện để nỗi lo lắng lan rộng: 54% hộ kinh doanh cảm thấy áp lực rõ rệt khi đối mặt nghĩa vụ kê khai – quản lý – lưu trữ hóa đơn theo tiêu chuẩn mới.
Không chỉ là lo ngại cảm tính, báo cáo còn cho thấy các con số dự báo tài chính khá "u ám": Có tới 66% hộ kinh doanh cho rằng chi phí vận hành sẽ tăng do đầu tư máy móc, phần mềm, bảo trì định kỳ; 56% dự báo doanh thu sẽ giảm, trong đó nhiều người lo mất khách do yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân khi xuất hóa đơn; 64% hộ tin rằng lợi nhuận sẽ giảm.
Về phản ứng, 63% hộ kinh doanh cho biết sẽ thu hẹp quy mô để cầm cự, 23% cân nhắc tạm ngừng hoạt động và 3% có thể sẽ đóng cửa hẳn. Một xu hướng "co cụm" rõ rệt đang diễn ra, cho thấy mức độ chịu đựng của khu vực kinh doanh nhỏ lẻ đang bị đẩy tới giới hạn cuối cùng.
Gỡ vướng pháp lý và nhân văn hóa chính sách
Chia sẻ tại Hội thảo nhận diện khó khăn, vướng mắc do duy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI - nhấn mạnh, bản chất của vấn đề không chỉ nằm ở chi phí, mà ở tư duy chính sách và khả năng thực thi trong thực tế. Ông dẫn chứng Nghị quyết 66 của Đảng do Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo là một bước ngoặt để giải quyết những "điểm nghẽn" pháp luật đang kìm hãm phát triển. Đây không chỉ là cam kết chính trị mà còn là mệnh lệnh từ thực tiễn.
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI. Ảnh: Phan Chính |
Ông Tuấn đánh giá cao tinh thần cải cách nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều quy định còn xa rời thực tiễn. Thậm chí có quy định mới ban hành đầu năm 2025 đã phát sinh bất cập. Ví dụ, với hóa đơn điện tử, việc yêu cầu ghi đầy đủ thông tin người mua với tất cả ngành hàng đang gây khó cho bán lẻ nhỏ lẻ – tạp hóa, chợ dân sinh, siêu thị mini. Điều này cần được điều chỉnh linh hoạt hơn để phù hợp hành vi tiêu dùng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, Nghị quyết 206 ngày 24/6/2025 đã xác định ba nhóm vướng mắc pháp lý trọng điểm: Quy định chồng chéo, không rõ ràng và gây chi phí tuân thủ cao. Chính phủ đã có cơ chế mới cho phép ban hành Nghị quyết thay vì chờ sửa luật – một bước đột phá trong hành pháp. Cơ chế xử lý linh hoạt như giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng, hoặc lộ trình chuyển tiếp… sẽ giúp chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn, phù hợp hơn.
Để hỗ trợ hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn số hóa hóa đơn, VCCI kiến nghị 7 nhóm giải pháp: Thứ nhất, thiết lập kênh hỗ trợ trực tiếp từ cơ quan thuế, giải đáp kịp thời và sát với tình huống thực tế. Thứ hai, kết hợp truyền thông chính thống với mạng xã hội để giải thích chính sách dễ hiểu, không gây hoang mang. Thứ ba, ưu tiên hộ nhỏ, vùng sâu, lớn tuổi, tạp hóa... có cơ chế linh hoạt hơn. Thứ tư, đồng hành cùng hiệp hội, tiểu thương để kịp thời lắng nghe và hiệu chỉnh quy định. Thứ năm, không xử phạt vi phạm hành chính trong ít nhất 6 tháng đầu triển khai, không truy thu hồi tố. Thứ sáu, miễn, giảm thuế trong giai đoạn đầu, kết hợp hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Thứ bảy, ví dụ quy định bắt buộc đầy đủ thông tin người mua hóa đơn trong mô hình bán lẻ trực tiếp, cần thay đổi để tránh phản ứng ngược từ thị trường.
Như vậy, thực thi chính sách là nghệ thuật kết hợp giữa kỹ thuật và sự thấu cảm. Hóa đơn điện tử không thể trở thành rào cản nếu chính sách đi kèm đủ linh hoạt, đủ nhân văn và đủ thực tế. Với quyết tâm từ cấp cao nhất, đặc biệt sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc "giải cứu" hộ kinh doanh không phải là điều xa vời. Vấn đề là hành động phải diễn ra kịp lúc, trước khi làn sóng thu hẹp quy mô kinh doanh trở thành một cơn bão ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế và an sinh xã hội.