Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh (HKD) về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế”, chiều ngày 10/7, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát về mức độ hiểu biết của HKD về quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, có tới 68% trong tổng số các HKD được khảo sát cho rằng họ không rõ cần làm gì để tuân thủ.
Con số này cho thấy phần lớn các HKD có nhận thức ban đầu, nhưng có thể chưa sâu sắc hoặc chưa rõ ràng về nghĩa vụ này. Một tỷ lệ đáng kể các HKD vẫn chưa nắm bắt được nội dung khi có 21% HKD lựa chọn “biết nhưng chưa hiểu”. Những HKD được khảo sát “hiểu rõ” chỉ chiếm 11% - đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các mức độ hiểu biết, cho thấy rất ít HKD thực sự nắm vững và tự tin vào khả năng áp dụng trên thực tế.
Mức độ hiểu biết về nghĩa vụ này có sự khác biệt rõ rệt theo lĩnh vực ngành nghề và theo quy mô lao động của HKD. Về loại hình ngành nghề, các hộ dịch vụ ăn, uống có tỷ lệ lựa chọn mức “chưa hiểu” cao nhất (34%). Các HKD trong ngành dịch vụ ăn, uống (66%), tạp hóa (69%) và khác (75%) đều có tỷ lệ cao lựa chọn mức “sơ bộ/không rõ” cần làm gì để tuân thủ. Siêu thị mini có tỷ lệ lựa chọn mức “hiểu rõ” rất cao (70%), có thể do các hộ này trước đó đã làm quen với các thủ tục hành chính thuế.
![]() |
Hội thảo “Tham vấn kết quả khảo sát HKD về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế”. Ảnh: Hà Anh |
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành hóa đơn điện tử hàng tháng là hai khía cạnh mà các HKD cảm thấy tác động “lớn/rất lớn” nhiều nhất, lần lượt là 57% và 54%, bên cạnh áp lực cạnh tranh. Thời gian và công sức quản lý hóa đơn, chứng từ là một gánh nặng hành chính phổ biến, với 49% các HKD đánh giá ở mức “lớn/rất lớn”.
Phân tích chi tiết cho thấy tác động về chi phí (đầu tư ban đầu và vận hành hóa đơn điện tử) và minh bạch thông tin thường được các HKD ở nông thôn cảm nhận tác động lớn hơn so với các hộ ở đô thị. Tác động về thời gian và công sức quản lý hóa đơn, chứng từ tăng lên rõ rệt khi quy mô doanh thu của HKD lớn hơn (từ dưới 1 tỷ lên trên 1 tỷ VNĐ), bất kể khu vực nông thôn hay đô thị. Đây là điểm có mức độ tác động trung bình cao nhất (3,8 và 3,9) trong tất cả các nhóm được khảo sát. Các mức điểm trung bình nhìn chung nằm trong khoảng từ 3.1 đến 3.9, cho thấy tất cả các khía cạnh được khảo sát đều có tác động đáng kể đến HKD.
Theo khảo sát, dự kiến của hộ kinh doanh trong trường hợp chịu tác động tiêu cực là đa phần HKD sẽ giảm quy mô kinh doanh (chiếm 63% HKD được khảo sát). Điều này cho thấy đa số các hộ sẽ cố gắng duy trì hoạt động nhưng thu hẹp lại để đối phó với khó khăn.
Tạm ngừng hoạt động là phương án dự kiến tiếp theo, với 23% HKD lựa chọn. Điều này ngụ ý rằng một phần đáng kể các hộ sẽ tạm dừng kinh doanh trong một khoảng thời gian để chờ đợi tình hình khả quan hơn hoặc đánh giá lại.
Chuyển sang loại hình khác được 11% các HKD cân nhắc. Đây là một động thái chiến lược nhằm thích nghi với những thay đổi của thị trường hoặc các quy định mới. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, 3% các HKD, cho biết họ dự kiến sẽ đóng cửa hoàn toàn. Điều này có thể phản ánh sự kiên cường của các HKD hoặc hy vọng rằng tác động tiêu cực chỉ là tạm thời.
Để nâng cao hiệu quả thực thi quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, VCCI khuyến nghị cần có các chương trình truyền thông không chỉ dừng lại ở việc thông báo sự tồn tại của chính sách mà còn phải tập trung vào việc giải thích rõ ràng, cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách thức tuân thủ và áp dụng trong thực tiễn kinh doanh.
Các chương trình này cần được tùy chỉnh cho phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của HKD, đặc biệt là các nhóm có tỷ lệ hiểu biết thấp hoặc khó khăn trong việc tuân thủ. Việc tận dụng các kênh thông tin đã được đánh giá, phân tich ở trên để truyền tải thông tin sâu hơn là cần thiết.
Cơ quan thuế cần tăng cường tiếp cận chủ động tới các HKD, đặc biệt là nhóm dịch vụ ăn, uống, cũng như các hộ ở nông thôn và đô thị nói chung còn có tỷ lệ “chưa liên hệ/hướng dẫn” ở mức cao. Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng hướng dẫn, cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng, đặc biệt cho các HKD có quy mô lớn hơn hoặc các ngành nghề phức tạp hơn, nơi tỷ lệ hướng dẫn “chung chung” còn cao.