Gần đây, hệ thống chính sách thuế mới đang có nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt với hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp. Những điều chỉnh này chủ yếu xoay quanh vấn đề minh bạch hóa tài chính, siết chặt kê khai, quản lý và hướng tới hạn chế các hành vi "né tránh" thuế đang diễn ra phổ biến ở một số mô hình hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Chia sẻ tại Hội nghị Gặp mặt Doanh nghiệp hội viên quý III/2025, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa tổ chức, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ tịch Học viện đào tạo pháp chế ICA đã chia sẻ góc nhìn về sự khác biệt giữa mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Ông Nghĩa cho biết, hiện tại, phần lớn hộ kinh doanh đang áp dụng phương pháp tính thuế khoán. Theo đó, họ kê khai doanh thu dự kiến đầu năm, chẳng hạn 1 tỷ đồng, rồi sau đó tính toán giảm doanh thu xuống, từ đó giảm mức thuế phải nộp. Vì thuế khoán đánh trực tiếp trên doanh thu, nên mức thuế suất áp dụng sẽ tùy theo ngành nghề, như bán lẻ là 1,5%, sản xuất 4,5%, còn thương mại có thể lên tới 7%.
"Chính vì không được ghi nhận chi phí đầu vào, nên hộ kinh doanh gần như không có động lực để tối ưu chi phí. Điều này sinh ra mô hình công ty để có thể ghi nhận chi phí, hợp thức hóa hóa đơn, từ đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vốn đang áp dụng ở mức 20% trên lợi nhuận. Tức có lợi nhuận mới phải nộp thuế. Tuy nhiên, việc vận hành một công ty không đơn giản. Doanh nghiệp phải có hệ thống sổ sách, hóa đơn đầu vào - đầu ra, chứng minh nguồn gốc hàng hóa, thuê kế toán, pháp lý... Điều này khiến nhiều người trước đây tìm cách mua hóa đơn (ví dụ hóa đơn xăng dầu, điện nước) để tăng chi phí, giảm lợi nhuận, từ đó tránh thuế", Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định.
Ông nghĩa cũng dẫn chứng một vụ án lớn tại Phú Thọ về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, với tổng giá trị lên tới 65.000 tỷ đồng, đã bị khởi tố. Vụ việc liên quan đến hàng nghìn doanh nghiệp và thậm chí có cả luật sư bị điều tra.
![]() |
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ tịch Học viện đào tạo pháp chế ICA |
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã đề xuất phân chia hộ kinh doanh thành bốn nhóm theo mức doanh thu để có biện pháp quản lý phù hợp hơn.
Nhóm thứ nhất là các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng mỗi năm, tương đương khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng. Nhóm này được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử nhưng không bắt buộc, đồng thời chưa phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, cách đánh thuế theo tỷ lệ doanh thu hiện nay (1,5–7%) đôi khi lại không phù hợp với thực tế. Ví dụ, một hộ kinh doanh bán lẻ bia có mức lãi chỉ khoảng 3-4%, nhưng nếu bị áp thuế 5-7% thì sẽ rất nặng nề. Mức thuế này có thể hợp lý với các ngành như tư vấn, xây dựng, nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Nhóm thứ hai gồm các hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Họ được khuyến khích sử dụng máy tính tiền và hóa đơn điện tử, nhưng vẫn chưa bắt buộc.
Từ nhóm thứ ba, tức hộ kinh doanh doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên - việc sử dụng máy tính tiền là bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch của dòng tiền.
Riêng nhóm thứ tư, những hộ kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm được khuyến khích chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp để quản lý tài chính rõ ràng và chuyên nghiệp hơn.
Trên thực tế, mô hình hộ kinh doanh vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Việc chuyển sang mô hình doanh nghiệp đòi hỏi đầy đủ hóa đơn đầu vào, đầu ra, có đội ngũ kế toán, kiểm toán, pháp lý đi kèm. Với nhiều người, lợi nhuận thu về chưa chắc đã đủ bù đắp các chi phí vận hành này. Có những hộ đạt doanh thu cả chục tỷ đồng nhưng lãi chưa tới 5%. Đặc biệt, nếu nguồn hàng không nhập khẩu chính ngạch, việc chuyển đổi sang doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, việc lựa chọn mô hình kinh doanh cần linh hoạt, tùy theo năng lực thực tế của người vận hành. "Có những người lập công ty chỉ để 'cho oai', để có chức danh giám đốc. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, yếu tố quan trọng nhất vẫn là hiệu quả. Nhiều trường hợp vẫn đang áp dụng đồng thời cả hai mô hình, vừa duy trì hộ kinh doanh, vừa điều hành công ty, điều này hoàn toàn không bị pháp luật cấm", ông Nghĩa nhận định; đồng thời lưu ý đến một số điểm mới trong chính sách thuế mà các hộ kinh doanh và doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.
Trước hết, thuế khoán hiện đang được áp dụng theo Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, trong đó quy định rõ tỷ lệ thuế tính trên doanh thu cụ thể cho từng ngành nghề. Điều này giúp cơ quan thuế dễ dàng hơn trong quản lý, nhưng cũng đặt ra bài toán tối ưu chi phí cho người nộp thuế, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài ra, mã định danh cá nhân đã chính thức thay thế mã số thuế cá nhân trong hệ thống quản lý. Việc mã hóa theo ngành nghề kinh doanh, ví dụ đuôi “88” dành cho lĩnh vực thương mại điện tử, cho thấy xu hướng siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh online, vốn đang phát triển mạnh mẽ trong thời đại số.
Một thay đổi quan trọng khác là từ ngày 1/7/2025, chủ hộ kinh doanh sẽ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, khoản đóng BHXH này lại không được tính vào chi phí hợp lý, dẫn đến thiệt thòi không nhỏ cho hộ kinh doanh cá thể, nhất là trong bối cảnh chi phí vận hành ngày càng gia tăng.
Song song với việc siết chặt quản lý, Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế mới nhằm khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Trong khi đó, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ được miễn thuế TNDN trong 3 năm kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được miễn thuế môn bài - mức trước đây dao động từ 1 đến 3 triệu đồng mỗi năm tùy theo vốn điều lệ.
Đáng chú ý, từ ngày 1/10/2025, mức thuế TNDN sẽ không còn áp dụng đồng loạt 20% như hiện nay mà được điều chỉnh theo quy mô doanh thu, cụ thể:
"Những điều chỉnh này vừa tạo động lực cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ phát triển, vừa góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với năng lực thực tế của từng nhóm doanh nghiệp", Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc chia tách doanh nghiệp thành nhiều công ty nhỏ để hưởng thuế suất thấp là không hợp lệ. Nếu các công ty có liên kết về chủ sở hữu, cùng địa điểm hoặc giao dịch nội bộ, sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
![]() |
Chính phủ đang khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp để tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận tín dụng, an sinh xã hội... |
Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ được xác định dựa trên vốn điều lệ và số lao động tham gia BHXH, trong đó vẫn bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Hiện nay, nếu hiểu đúng luật và vận dụng linh hoạt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tối ưu chi phí hợp pháp như chi phí thuê nhà, xe, ăn uống, xăng dầu - miễn có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Tuy vậy, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra, thực tế vẫn còn không ít người kinh doanh tìm cách né tránh bằng cách nhận tiền qua tài khoản cá nhân để cơ quan thuế không truy vết. Đây là hành vi rủi ro cao. Từ năm 2021, cơ quan thuế đã có cơ chế liên kết dữ liệu với ngân hàng để kiểm tra dòng tiền cá nhân. Đặc biệt, với việc mã định danh cá nhân (VNeID) được sử dụng rộng rãi, mọi giao dịch tài chính đều có thể bị truy xuất.
Nguyên tắc thuế hiện nay là tự kê khai - tự nộp - tự chịu trách nhiệm. Tại thời điểm kê khai, người nộp thuế có thể ghi nhận bất kỳ khoản chi nào, nhưng khi quyết toán, nếu khoản chi không hợp lý, cơ quan thuế có quyền loại trừ và truy thu.
“Trong tương lai gần, khi trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp vào hệ thống giám sát tài chính, Việt Nam cũng có thể sẽ sớm xem xét vận hành theo mô hình như Trung Quốc hay Mỹ - nơi mọi dòng tiền đều có thể bị truy vết. Ở Trung Quốc, chỉ cần giao dịch bị nghi là ‘tiền bẩn’, tài khoản có thể bị phong tỏa trong 24-48 giờ. Một số tiểu thương vẫn nhận tiền mặt để tránh bị kiểm soát, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Điều tốt nhất doanh nghiệp có thể làm là học cách vận hành bài bản, tối ưu chi phí bằng công cụ hợp pháp”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Chính phủ đang khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp để tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận tín dụng, an sinh xã hội và hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đi kèm ưu đãi sẽ là quá trình sàng lọc tự nhiên. Những doanh nghiệp không bắt kịp chuyển đổi số, không minh bạch tài chính, không tối ưu chi phí hợp pháp sẽ tự bị loại khỏi thị trường.
Từ chính trải nghiệm bản thân, ông chia sẻ: “Tôi từng có đội marketing 6 người, sản xuất 50 bài viết mỗi tháng cho website. Nhưng chỉ sau 2 năm, ChatGPT ra đời, hành vi người dùng thay đổi, chi phí nội dung bị cắt giảm đến 90%. Nếu tôi không kịp thời thích nghi, tôi đã bị thị trường đào thải rồi.”
"Trong thời đại thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào việc 'đúng hoàn toàn' mà phải chủ động vận hành linh hoạt, hiểu luật và có chiến lược phòng vệ pháp lý để phát triển bền vững", ông Nghĩa nhận định.