Tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý II/2025 đạt 7,96%, không chỉ vượt xa dự báo của UOB (6,1%) và Bloomberg (6,85%), mà còn cao hơn mức đã điều chỉnh của quý I (7,05%). Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, đây là tín hiệu cho thấy nội lực phục hồi của Việt Nam đang mạnh lên rõ rệt.
Theo UOB, điểm sáng rõ rệt trong bức tranh nửa đầu năm là xuất khẩu tăng 14%, phần lớn nhờ hiệu ứng “vượt rào” trước thời điểm Mỹ có thể áp thuế đối ứng. Diễn biến tích cực trong đàm phán thuế quan Việt – Mỹ cũng củng cố thêm niềm tin của giới đầu tư rằng “giai đoạn căng thẳng nhất đã qua”, mở ra triển vọng ổn định dài hạn cho chuỗi cung ứng.
![]() |
UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam thêm 0,9% |
Cùng thời điểm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh. FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD – mức cao nhất trong 6 tháng kể từ 2021, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, FDI đăng ký mới tăng tới 32,6%, đạt 21,52 tỷ USD, cho thấy kỳ vọng cao từ nhà đầu tư toàn cầu vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
UOB cho rằng, một phần lớn động lực nâng triển vọng GDP đến từ những kết quả cụ thể trong đàm phán thương mại song phương với Mỹ, giúp xoa dịu rủi ro địa chính trị và tạo dư địa cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường thuận lợi hơn.
Với đà này, UOB dự báo xuất khẩu cả năm sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải, phản ánh sự điều chỉnh sau “cú hích” đầu năm, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với các kịch bản thận trọng được đưa ra từ cuối 2024.
Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng lạm phát vẫn được duy trì dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, cho thấy nền kinh tế chưa phát sinh áp lực quá lớn từ phía cầu nội địa. Điều này giúp Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%, duy trì sự linh hoạt chính sách mà không cần nới lỏng thêm.
Về tỷ giá, UOB dự báo USD/VND sẽ dao động quanh 26.400 đồng trong quý III, và phục hồi nhẹ về 26.200 đồng trong quý IV, cho thấy kỳ vọng ổn định tiền tệ trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dần điều chỉnh chính sách.
Bất chấp kết quả khả quan, các chuyên gia cũng lưu ý: Thặng dư thương mại của Việt Nam nửa đầu năm chỉ đạt 7,63 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 11,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy chi phí nhập khẩu đang tăng trở lại – một tín hiệu tiềm ẩn về áp lực chi phí sản xuất hoặc sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Để duy trì đà tăng trưởng 6,9% trong cả năm như UOB kỳ vọng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát hiệu quả rủi ro thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.
Việc UOB nâng dự báo không chỉ mang tính chất kỹ thuật, mà phản ánh niềm tin dần trở lại của các định chế tài chính quốc tế với kinh tế Việt Nam. Nhưng kỳ vọng lớn cũng đi kèm áp lực điều hành: Từ đảm bảo ổn định vĩ mô, cải cách thể chế, cho tới tận dụng hiệu quả các thỏa thuận thương mại.