Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) – cho biết: Kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, gần tiệm cận với kịch bản cập nhật hồi quý I. Đây được xem là điều kiện cần, góp phần giảm áp lực cho giai đoạn còn lại và củng cố niềm tin vào khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 8%.
Theo kịch bản mới được Cục Thống kê cập nhật, tăng trưởng 6 tháng cuối năm dự kiến đạt 8,42%, nâng mức tăng trưởng bình quân cả năm lên đúng 8% – như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra. Dự báo cụ thể theo quý cho thấy, Quý I tăng 7,05%, Quý II tăng 7,99%, Quý III có thể đạt 8,33% và Quý IV vươn lên mức 8,51%.
![]() |
Còn nhiều thách thực để kinh tế 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8% |
Động lực tăng trưởng rõ ràng, nếu được khai thác kịp thời
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng những tháng còn lại, Cục Thống kê cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa có thể khai thác để thúc đẩy phục hồi và phát triển. Đầu tư công được nhấn mạnh là một trong những động lực then chốt. Việc Chính phủ quyết liệt thúc giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu đạt 100% kế hoạch, nếu thực hiện hiệu quả, sẽ tạo “cú hích” mạnh mẽ cho toàn bộ nền kinh tế. Hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn như đường cao tốc, cảng hàng không, vành đai đô thị, các cụm năng lượng… đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai và kỳ vọng sẽ lan tỏa tác động tích cực tới nhiều ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng được định hướng đạt mức 16% cho cả năm 2025, mang lại một lượng vốn đáng kể cho sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó về tiếp cận tài chính sau giai đoạn thắt chặt thanh khoản kéo dài.
Tiêu dùng nội địa cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm. Việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7 cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, kết hợp với các chính sách kích cầu thương mại, tiêu dùng trong nước, sẽ góp phần gia tăng chi tiêu xã hội. Đồng thời, các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 dự kiến tạo thêm động lực cho đầu tư, tích lũy và phục hồi sức mua.
Về phía xuất khẩu, Cục Thống kê nhấn mạnh vai trò của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP... đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai con số, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.
Nhưng thách thức không hề nhỏ
Dù nền tảng tăng trưởng khá tích cực, Cục Thống kê cũng thẳng thắn nhìn nhận những rủi ro và lực cản hiện hữu. Trước hết là bối cảnh địa chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến khó lường, làm gia tăng bất ổn trong chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa, đầu tư và thương mại toàn cầu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở cao.
Thêm vào đó, tỷ giá biến động mạnh do chính sách tiền tệ của các nước lớn khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa tăng lên, tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất trong nước. Việc duy trì lãi suất quốc tế ở mức cao cũng khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, buộc phải thận trọng hơn trong điều hành để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, khả năng Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa từ Việt Nam sẽ tạo áp lực mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong bối cảnh cạnh tranh về giá, đơn hàng và chuỗi cung ứng ngày càng gay gắt.
Ở trong nước, sản xuất công nghiệp tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa đồng đều. Một số ngành chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, chế biến gỗ... có dấu hiệu hụt hơi do đơn hàng chậm cải thiện và giá cạnh tranh từ các nước trong khu vực. Năng lực phục hồi của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, khả năng hấp thụ vốn chưa cao, khiến thị trường tín dụng dù mở rộng nhưng hiệu quả truyền dẫn chính sách vẫn cần được củng cố.
Thị trường vốn và chứng khoán chưa phát huy đúng vai trò là kênh dẫn vốn trung – dài hạn, tạo áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, làm tăng gánh nặng cho chính sách tiền tệ.
Về phía người tiêu dùng, tâm lý vẫn còn thận trọng. Mặc dù thu nhập đang phục hồi, nhưng chưa bền vững, dẫn đến xu hướng tiết kiệm cao hơn chi tiêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tăng nhưng chưa tạo được lực kéo đủ mạnh cho tăng trưởng tổng cầu.
Đẩy nhanh đầu tư công, ổn định vĩ mô, giữ vững niềm tin thị trường
Trước thực tế trên, Cục Thống kê đề xuất nhiều nhóm giải pháp trọng tâm cần được triển khai quyết liệt trong 6 tháng cuối năm.
Trước hết, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, thận trọng, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, ổn định tỷ giá, duy trì thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái chủ động.
Quan trọng nhất là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thực chất, không chỉ giải ngân về số lượng mà phải gắn với chất lượng và hiệu quả. Để làm được điều này, cần tháo gỡ đồng bộ các điểm nghẽn cố hữu như: thủ tục pháp lý rườm rà, vướng mắc giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu xây dựng và năng lực tổ chức thực hiện còn yếu ở cấp địa phương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thông qua tận dụng tối đa các FTA đang có hiệu lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường chủ lực. Tăng trưởng xuất khẩu ổn định sẽ là một trong những trụ cột quan trọng giúp nền kinh tế đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng.