Thái Bình chuyển tiếp quản lý đầu tư công trong quá trình sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp Thị trường nhóm nông sản 20/5: Lúa mì và ngô đồng loạt tăng, đậu tương biến động trái chiều |
Vùng quy hoạch đã rõ, không cần thêm “xin – cho”
Với hơn 20 năm theo dõi cải cách thể chế và chính sách đầu tư tại Việt Nam, tôi nhận thấy có những thời điểm mà chỉ một thay đổi nhỏ trong tư duy quản lý có thể tạo ra đột phá lớn về chất lượng môi trường đầu tư. Nghị quyết số 198/NQ-CP ban hành ngày 17/5/2025 chính là một thời điểm như vậy. Nghị quyết này không chỉ mang ý nghĩa hành chính, mà còn là tuyên ngôn cải cách mang tính nguyên tắc: xây dựng chính quyền phục vụ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, và tin vào doanh nghiệp.
Một trong những thủ tục cần được “cắt bỏ không khoan nhượng” theo tinh thần Nghị quyết số 198 là thủ tục “xin chủ trương đầu tư”, đặc biệt với các dự án sử dụng đất tư nhân, vốn tư nhân, không xin ưu đãi nhà nước, và không liên quan đến đất công hay tài sản công.
Hãy hình dung một doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất hợp pháp, hoặc đã tự thỏa thuận đền bù với người dân, trong khu vực phù hợp quy hoạch sử dụng đất 1/2000, phù hợp ngành nghề, phù hợp quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không sử dụng tài nguyên công, không xin hỗ trợ từ ngân sách, cũng không gây rủi ro hệ thống. Vậy thì tại sao họ vẫn phải quay lại “xin phép” để thực hiện một dự án trên chính phần đất của mình?
Thủ tục “xin chủ trương đầu tư” lúc này không còn là công cụ kiểm soát hợp lý, mà trở thành sự can thiệp không cần thiết, thậm chí là rào cản pháp lý cho quyền tự chủ kinh doanh – một quyền đã được Hiến pháp bảo vệ. Không có lý do quản lý nào biện minh cho việc tiếp tục duy trì quy trình này đối với các dự án “tự lực tự cường” từ đất đến vốn.
Bản chất của quy hoạch là công cụ thể hiện chủ trương phát triển của nhà nước ở cấp vùng, cấp ngành. Khi một dự án “nằm trong quy hoạch”, đã được xác lập rõ ràng về mục tiêu sử dụng, thì chính quyền không cần “phê chuẩn lại”. Vai trò của cơ quan hành chính không phải là tái xét duyệt ý tưởng kinh doanh, càng không phải là “giữ cửa” cho thị trường.
![]() |
Bãi bỏ “xin chủ trương đầu tư”: Đúng lúc, đúng hướng, đúng tinh thần cải cách (ảnh minh họa) |
Chuyển sang hậu kiểm thông minh, chuẩn hóa toàn quốc
Một trong những sai lệch lớn nhất trong thực thi chính sách đầu tư tại Việt Nam thời gian qua chính là tình trạng “mỗi nơi một kiểu xin – cho”. Có địa phương quy định lại toàn bộ các bước “xin chủ trương”, có nơi yêu cầu doanh nghiệp bổ sung nhiều lần, có nơi gộp, có nơi tách. Kết quả là cùng một dự án, nếu làm ở tỉnh A thì ba tháng xong hồ sơ, làm ở tỉnh B thì mất cả năm vẫn chưa rõ “được hay không”.
Nghị quyết số 198 nếu được thực thi nghiêm túc sẽ giải quyết căn cơ vấn đề này. Cần có một hệ thống phân loại dự án rõ ràng, theo ba nhóm: Dự án sử dụng tài nguyên công và cần thẩm định chặt chẽ; dự án có yếu tố hỗ trợ công nhưng không ảnh hưởng lớn đến nguồn lực; và cuối cùng là các dự án không dùng ngân sách, không xin đất, không xin ưu đãi chỉ cần đăng ký đầu tư, không “xin phép”.
Với nhóm thứ ba là phần lớn trong nền kinh tế tư nhân cần bãi bỏ ngay thủ tục “xin chủ trương đầu tư”. Thay vào đó, sử dụng hệ thống hậu kiểm thông minh, liên thông giữa các cơ quan đầu tư, môi trường và xây dựng để giám sát tiến độ, tác động môi trường, và tuân thủ quy định. Như vậy, doanh nghiệp có thể triển khai nhanh dự án, trong khi nhà nước vẫn giữ được vai trò điều phối và kiểm soát hậu kỳ hiệu quả.
Để đảm bảo tính nhất quán, Chính phủ cần chuẩn hóa quy trình đầu tư trên toàn quốc. Không thể để tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” hay “một luật, mười cách hiểu”. Chỉ khi môi trường đầu tư được quy định minh bạch, thống nhất, mới tạo ra niềm tin thật sự từ cộng đồng doanh nghiệp – những người đang gánh trên vai trọng trách tăng trưởng, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Chúng ta đã nói rất nhiều về cải cách thể chế, chính quyền số, chuyển đổi số trong hành chính công. Nhưng tất cả những khẩu hiệu đó sẽ chỉ dừng ở lời nói nếu không có hành động cụ thể mà điển hình là bãi bỏ thủ tục “xin chủ trương đầu tư” đối với các dự án tư nhân, hợp pháp, không sử dụng đất công.
Đây là lúc thể hiện bản lĩnh cải cách thực sự, dám cắt bỏ quyền lực không cần thiết, dám để thị trường tự vận hành, dám để doanh nghiệp quyết định con đường của họ. Bởi lẽ, như Nghị quyết 198 đã khẳng định: Chính phủ không phải là người xét duyệt kế hoạch kinh doanh, mà là người thiết kế sân chơi và trọng tài cuộc chơi.
Tin vào doanh nghiệp, đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là nguyên lý căn bản của một nền kinh tế thị trường hiện đại.