![]() |
Thị trường nhóm nông sản 20/5: Lúa mì và ngô đồng loạt tăng, đậu tương biến động trái chiều |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì tương lai trên sàn CBOT (WN25) tiếp tục xu hướng tăng trong phiên giao dịch thứ Hai, đánh dấu lần tăng thứ tư trong năm phiên gần nhất. Lực hỗ trợ đến từ việc đồng USD suy yếu, giúp hàng hóa Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm giao tháng 7 tăng 4 cent lên mức 5,29 USD/giạ. Trên sàn Kansas, lúa mì đỏ cứng giao cùng kỳ hạn (KWN25) nhích 6,25 cent, chốt ở mức 5,2275 USD/giạ. Lúa mì xuân giao tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) ghi nhận mức tăng mạnh hơn, thêm 12,25 cent lên 5,855 USD/giạ.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khối lượng xuất khẩu lúa mì trong tuần kết thúc ngày 15/3 đạt 423.785 tấn, đúng như dự đoán của thị trường. Ngoài ra, các giao dịch lớn trong ngày cũng góp phần hỗ trợ giá: các nhà máy xay xát Hàn Quốc đã mua 50.000 tấn lúa mì Mỹ, trong khi Ả Rập Xê Út chốt đơn 621.000 tấn lúa mì có nguồn gốc linh hoạt, phần lớn dự kiến từ Nga, Romania và Bulgaria.
Tuy nhiên, triển vọng mùa vụ tại Kansas với năng suất cao nhờ mưa kịp thời vẫn là yếu tố gây áp lực lên giá trong ngắn hạn.
Thị trường ngô
Trên thị trường ngũ cốc Trung Tây Mỹ, giá ngô giao ngay tại các nhà máy chế biến và kho lưu trữ đầu tuần chủ yếu đi ngang hoặc nhích nhẹ, nhờ sức mua yếu từ nông dân khi giá kỳ hạn vẫn ở vùng thấp nhất trong 5 tháng gần đây.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn CBOT (CN25) tăng 1,5 cent, giao dịch ở mức 4,4475 USD/giạ vào giữa phiên. Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 (SN25) giảm 2,25 cent xuống 10,4775 USD/giạ.
Hoạt động bán hàng từ nông dân vẫn khá chậm do giá tiền mặt chưa cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, người trồng đang ưu tiên tiến độ gieo trồng mùa xuân, đặc biệt khi điều kiện thời tiết trong tuần trước thuận lợi đã giúp đẩy nhanh quá trình xuống giống. Mặc dù mưa diện rộng dự báo sẽ cản trở một phần hoạt động đồng áng trong tuần này, lượng ẩm bổ sung cũng có thể hỗ trợ mùa vụ sau thời kỳ khô hạn kéo dài.
USDA dự kiến sẽ cập nhật báo cáo tiến độ gieo trồng sau khi thị trường đóng cửa phiên thứ Hai.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương tương lai trên sàn CBOT có phiên giao dịch giằng co đầu tuần, khi hợp đồng tháng 7 (SN25) tăng nhẹ 0,75 cent lên 10,5075 USD/giạ, kết thúc chuỗi hai phiên giảm liên tiếp trước đó.
Các yếu tố kỹ thuật đóng vai trò chính trong đợt điều chỉnh tăng, tuy nhiên đà phục hồi bị hạn chế do triển vọng trồng trọt tích cực tại khu vực Trung Tây Mỹ và những nghi ngại xoay quanh chính sách hỗ trợ nhiên liệu sinh học.
Về các sản phẩm liên quan, dầu đậu nành kỳ hạn tháng 7 (BON25) tăng 0,51 cent lên 49,44 cent/pound, trong khi bột đậu nành (SMN25) giảm 0,80 USD, xuống 291,10 USD/tấn ngắn.
Ở Nam Mỹ, Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires cảnh báo vụ đậu nành 2024/25 tại tỉnh Buenos Aires (Argentina) có nguy cơ chịu thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của các cơn bão gần đây.
USDA báo cáo xuất khẩu đậu tương tuần qua đạt 217.842 tấn – thấp hơn kỳ vọng, cho thấy nhu cầu vẫn còn yếu.