![]() |
Thị trường nhóm nông sản 16/5: Lúa mì và ngô tăng nhẹ, đậu tương điều chỉnh giảm mạnh |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì tăng do hoạt động mua vào từ các khách hàng quốc tế được đẩy mạnh, đặc biệt là khi giá lúa mì Mỹ đang ở mức hấp dẫn. Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông tháng 7 (WN25) trên sàn CBOT tăng 8 cent, đóng cửa ở mức 5,3275 USD/giạ.
Kết quả khảo sát năng suất mùa vụ tại bang Kansas – trung tâm trồng lúa mì lớn của Hoa Kỳ cho thấy tiềm năng đạt 53 giạ/mẫu Anh, mức cao nhất kể từ năm 2021 và vượt xa mức trung bình 5 năm là 44,3 bpa. Lượng mưa thuận lợi trong tháng 4 đã phần nào bù đắp ảnh hưởng của hạn hán.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết xuất khẩu lúa mì trong tuần kết thúc ngày 8/5 đạt 804.800 tấn, cho thấy đây là mức cao hơn dự báo. Cùng lúc, Cơ quan An ninh Lương thực Tổng hợp (GFSA) của Ả Rập Xê Út đã công bố kế hoạch đấu thầu mua 655.000 tấn lúa mì giao từ tháng 8 đến tháng 10/2025.
Hợp đồng lúa mì đỏ cứng mùa đông tại Kansas tháng 7 (KWN25) tăng 5,25 cent lên 5,2825 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân giao tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) nhích nhẹ 3 cent, đạt 5,80 USD/giạ.
Thị trường ngô
Giá ngô giao dịch trái chiều, trong đó hợp đồng giao tháng 7 (CN25) tăng 3 cent, chốt ở 4,4805 USD/giạ, nhờ lực mua kỹ thuật và doanh số xuất khẩu vượt kỳ vọng với tổng cộng 2.186.100 tấn trong tuần qua. Tuy nhiên, hợp đồng tháng 12 (CZ25) – đại diện cho vụ thu hoạch chính trong năm lại giảm 1,75 cent, về mức 4,3875 USD/giạ.
Thời tiết lý tưởng tại vành đai ngô Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển, góp phần kiềm chế đà tăng giá. Ở phía Nam bán cầu, Conab (cơ quan thống kê cây trồng Brazil) cho biết sản lượng ngô vụ thứ hai dự kiến tăng 11%, đạt 99,8 triệu tấn, nhờ điều kiện thời tiết ổn định. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội ngô và lúa miến Brazil (Abramilho) – ông Paulo Bertolini dự báo sản lượng ngô cả nước trong vụ 2024/25 có thể đạt 125 triệu tấn, đồng thời tiêu thụ ngô trong ngành ethanol có thể sớm tăng gấp đôi.
Thị trường đậu tương
Trái ngược với xu hướng của lúa mì và ngô, giá đậu tương giảm mạnh sau phiên tăng cao nhất 10 tháng trước đó. Áp lực từ việc giá dầu đậu nành rơi xuống mức giới hạn giảm trong ngày đã khiến hợp đồng đậu nành tháng 7 (SN25) lao dốc 26,05 cent, xuống còn 10,5125 USD/giạ.
Giá dầu đậu nành CBOT tháng 7 (BON25) mất 3 cent, đóng cửa ở 49,32 cent/pound – mức sàn trong ngày, trong khi bột đậu nành tháng 7 (SMN25) tăng nhẹ 4,5 USD, đạt 296,40 USD/tấn ngắn.
Đà giảm chủ yếu đến từ những bất ổn liên quan đến chính sách nhiên liệu sinh học của Mỹ. Thị trường đang lo ngại rằng mục tiêu sử dụng dầu diesel tái tạo trong năm tới có thể bị cắt giảm mạnh so với đề xuất 5,25 tỷ gallon trước đó của ngành công nghiệp. Điều này khiến giới đầu tư bán tháo dầu đậu nành – nguyên liệu chính trong sản xuất diesel sinh học.
Thêm vào đó, kỳ vọng về sự cải thiện trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, đây cũng là yếu tố từng hỗ trợ giá trong phiên trước, đã hạ nhiệt khi chưa có thông tin rõ ràng về kết quả các cuộc đàm phán. Công ty tư vấn AgResource cảnh báo nếu tranh chấp thương mại không được giải quyết, xuất khẩu đậu tương Mỹ có thể giảm tới 20% và kéo theo giá sụt sâu hơn nữa.