![]() |
Thị trường nhóm nông sản 14/5: Lúa mì và ngô giảm giá, đậu tương biến động nhẹ |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago sụt giảm trong phần lớn phiên giao dịch ngày thứ Ba, trước khi phục hồi nhẹ vào cuối phiên nhờ hoạt động mua bù thiếu. Tất cả các hợp đồng lúa mì đỏ mềm chạm mức thấp lịch sử sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra các dự báo tiêu cực.
Báo cáo cung cầu mới nhất từ USDA cho biết, lượng tồn kho lúa mì của Mỹ cuối niên vụ 2025/26 có thể vượt mức dự báo trước đó, góp phần kéo dự báo tồn kho toàn cầu lên nhẹ.
Cùng với đó, báo cáo cập nhật điều kiện mùa màng cũng cho thấy vụ lúa mì đông của Mỹ đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần trước. Tỷ lệ gieo trồng lúa mì xuân đạt 66%, cao hơn nhiều so với trung bình 5 năm (49%) và vượt kỳ vọng thị trường (62%).
Tại CBOT, hợp đồng lúa mì đỏ mềm giao tháng 7 (WN25) tăng nhẹ 2 cent lên 5,1725 USD/giạ. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng mùa đông tháng 7 (KWN25) tăng 3,75 cent, đóng cửa ở 5,1175 USD/giạ. Trong khi đó, lúa mì xuân giao tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) giảm 3,25 cent còn 5,8075 USD/giạ.
Tại khu vực Biển Đen, thời tiết đầu tháng 5 nhìn chung thuận lợi cho cánh đồng ngũ cốc Ukraine, nhưng một số vùng phía nam đã chịu thiệt hại bởi hạn hán và sương giá, ảnh hưởng tới lúa mì, lúa mạch và cây họ đậu.
Thị trường ngô
Thị trường ngô tiếp tục chịu sức ép từ điều kiện thời tiết lý tưởng cho gieo trồng tại Vành đai ngô Mỹ, cùng với lực bán kỹ thuật đẩy giá xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết đến ngày 12/5, tiến độ gieo trồng ngô của Mỹ đạt 62%, vượt mức trung bình 5 năm (56%) và vượt xa kỳ vọng (khoảng 60%).
Dù lượng tồn kho cuối kỳ được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 1,415 tỷ giạ (so với 1,465 tỷ giạ tháng trước), con số này vẫn sát với ước tính của giới phân tích (1,443 tỷ giạ), không đủ sức hỗ trợ giá.
Hợp đồng ngô giao tháng 7 (CN25) tại CBOT chốt phiên giảm 5,05 cent, xuống còn 4,4205 USD/giạ.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương diễn biến trái chiều trong ngày, khi các tín hiệu tích cực từ thương mại Mỹ - Trung và dự báo cung cầu được bù trừ bởi hoạt động chốt lời.
Động lực tăng đến từ việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý tạm ngừng các hành động trả đũa thương mại, làm dấy lên kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương Mỹ – sản phẩm mà nước này vốn đang dẫn đầu về tiêu thụ toàn cầu.
USDA ước tính tồn kho đậu tương Mỹ kết thúc niên vụ 2024/25 đạt 350 triệu giạ, thấp hơn dự báo tháng 4 (375 triệu) và mức trung bình của các nhà phân tích (369 triệu).
Tuy nhiên, áp lực từ thời tiết thuận lợi cho việc gieo trồng tại Trung Tây Mỹ khiến đà tăng bị kìm hãm. Một số nhà sản xuất cũng tỏ ra hoài nghi về tác động thực tế của lệnh ngừng thuế, cho rằng Brazil vẫn giữ lợi thế giá trong mắt người mua Trung Quốc.
Hợp đồng đậu tương tháng 7 (SN25) tăng 1,25 cent lên 10,7205 USD/giạ. Trong khi đó, giá dầu đậu tương tháng 7 (BON25) tăng 1,56 cent, lên 51,48 cent/pound, còn bột đậu tương (SMN25) giảm 4,8 USD xuống 293,30 USD/tấn ngắn.